Quyết định viết vài dòng suy nghĩ này vì thấy nhiều người bạn của mình than phiền quá! Bản thân chưa từng có con, chưa từng dạy con, song đã từng quan sát, lắng nghe và cảm nhận.
-
Chuyện bầu ốm bầu mập
Cô bạn tôi nhất định chỉ tăng 10 cân khi có bầu, đó là con số tối đa! Cô không ăn cho hai người, ăn lấy đủ thì thôi. Cô còn lo rạn da, chảy ngực, nhão bụng. Đúng, là phụ nữ, tôi hoàn toàn tán đồng điều đó. Phụ nữ được trao thiên chức làm mẹ, sinh con đẻ cái là rất tự nhiên. Song, cần bảo tồn cái đã có, tức là bản thân bạn phải khỏe, đẹp và trân quý bạn thì mới mong mang lại hạnh phúc cho con. Hãy làm một bà bầu đẹp và thông minh. Đừng nhắm mắt đưa chân chỉ vì lời phàn nàn của ai đó.
Chỉ có bạn hiểu cơ thể bạn và con của bạn mà thôi. Không ai hiểu được vì chỉ duy nhất bạn là “mẹ”!
Đọc thêm: Kinh nghiệm hay làm cha mẹ.
-
Con béo con gầy
Đây có lẽ là chủ đề muôn thủa! Sinh con ra, em bé nhẹ (có lẽ ở Việt Nam là dưới 3.5kg), thế nào mẹ cũng bị trách móc! Nhẹ thì kêu kiêng khem, nặng thì nói mẹ ăn hết phần con. Chà chà, con còn cả một tương lai phía trước, đã biết thế nào là hơn mà đã nói như đinh đóng cột vậy. Nhiều bé lúc sinh nhẹ cân, khó nuôi, dần dà lúc lớn lại cứng cáp, khỏe mạnh. Thế nên các mẹ phải tin vào chính cảm nhận của mình. Mình sẽ nuôi dạy được con cứng cáp khoẻ mạnh chứ không phải ai khác.
Lại đến chuyện mâu thuẫn với ông bà về cách cho bé ăn. Con trẻ ăn là học. Con học cảm nhận với thức ăn, với thế giới. Trẻ con Nhật thường được khen là kawaii, tức là đáng yêu. Trẻ con là búp trên cành, trẻ nào cũng yêu! Sao cứ phải so sánh cao thấp béo gầy! Nuôi con là cả một hành trình với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa là của mẹ, vừa là của trời, đâu phải như ngày bé chơi búp bê, cho ăn thì ăn, cho ngủ thì ngủ. Tôi cực lực phản đối những người vô duyên, hễ trẻ nom khác với quan điểm của họ là vội vàng chê trách mẹ không biết nuôi! Là mẹ, dù vụng đến mấy cũng là người có cảm nhận về con nhạy hơn bất kể ai khác! Thế nên, các mẹ hãy cứ để con được khám phá và cảm nhận. Con có thể mút ngón tay, ném đồ ăn, lăn lê bò toài,… vì con đang tuổi tò mò đó thôi!
Đọc thêm: Não bộ của trẻ phát triển trong thai nhi như thế nào?
-
Mẹ ơi, mình ăn gì thế?
Nói về cái này có chút xấu hổ không hề nhẹ bởi hồi bé cũng rất ham chơi lười ăn. Ông ngoại chiều nên nghĩ ra cách rất hay cho mình ăn. Hồi đó tôi tầm ba tuổi, nhưng vẫn nhớ cứ đến bữa ăn, ông sẽ kể một câu chuyện và hai ông cháu nhập vai như đóng kịch. Câu chuyện tôi thích nhất là chyện “mớm mồi”, tôi giả làm chú chim con đợi mẹ tha mồi về! Mỗi lần có mồi, ông đóng vai chim mẹ cho ăn rất ngon lành. Còn cậu em họ tôi thì rất tò mò việc nấu nướng của mẹ. Cậu ta rất lười ăn, nên mẹ quyết định cho cậu ta tự làm! Làm xong món trứng tráng, cậu tự hào khoe và ăn hết một cách ngon lành. Ở Nhật, trẻ em được giáo dục thông qua hoạt động làm bếp từ rất sớm với các món ăn đơn giản. Trẻ không chỉ trưởng thành về nhận thức mà còn cảm thấy thích thú hơn với đồ ăn!
Đọc thêm: Dạy con tư duy về tài chính.
Các mẹ nhé, đừng hổ báo quá, hãy làm một người bạn của con và nắm tay con đi khắp thế gian. Hãy tập bỏ thói quen nhồi nhét vào mồm con đủ thứ mình cho là bổ, giờ ăn là giờ tra tấn cả mẹ cả con! Để con tự khám phá, rồi con sẽ lớn khôn!
Cá mắm.