“Bài viết được trích dẫn từ Facebook Lê Mai Hương – Trích Mỗi ngày một kỹ năng – One skill a day”
Ông, bà, cha, mẹ hãy nhìn vào mắt trẻ khi nói chuyện với trẻ. Hãy để mình và mắt mình là tâm điểm của sự chú ý của trẻ rồi hãy nói. Lời nói ít thôi, nhưng đã nói câu nào thì là sự trao đổi giữa hai tâm hồn câu đó. Hãy bảo tồn nghệ thuật giao tiếp bằng tâm hồn với tâm hồn có sẵn của trẻ.
Nếu dành thời gian cho trẻ hãy chắc chắn là mình hiện hữu 100% cả thể xác lẫn tâm hồn.
Đừng đang bế con cho bú, điện thoại rung là cầm lên “A lô.”
Đừng ô nhiễm thính giác của con bằng tiếng vô tuyến đủ các ngôn ngữ bạo lực, tiếng người lớn nói chồng lên nhau, tiếng vài cuộc điện thoại diễn ra một lúc.
Đừng vừa bế con, vừa nấu cơm, vừa… như người ta ca ngợi trên báo là Mẹ Việt Nam anh hùng. Rõ là vớ vẩn. Làm từng việc một thôi. Sắp xếp thời gian để làm từng việc một thôi.
Mọi việc bắt đầu từ khi em bé ra đời, mẹ ôm em vào lòng cho em bé bú, khoảng cách từ ti mẹ đến mặt mẹ chính xác là khoảng cách bé nhìn được.
Mọi vật từ đen trắng dần dần mới là màu sắc.
Khi em bé mới ra đời chúng ta đã luôn giao tiếp bằng cả tình yêu của trái tim và tâm hồn mình, cái ôm dịu dàng, giọng nói nựng nịu, đôi bàn tay yêu thương xoa bóp, ai cũng thường trực nụ cười trên môi và không thiếu lời khen tốt đẹp về em bé. Mẹ yêu, mẹ thương, mẹ yêu quá đi thôi. Ai mà yêu thế! Ai mà xinh thế! Ai mà thơm tho thế! Đến cả ị cũng thơm.
Em bé lớn dần số câu nói yêu thương ít dần, số câu nói không yêu thương tăng lên. Thời gian ôm ấp nựng nịu ít dần. Thời gian cáu tăng lên. Thời gian nhìn con, nhìn dõi theo con ít dần thời gian bố mẹ dùng điện thoại con dùng ipad tăng lên. Mọi người chăm chỉ đào những cái hố giữa người với người rộng ra.
Giờ các em bé, người lớn đều không thích thế giới thật và con người thật trong đó. Nếu phải chọn giữa mẹ và cái ipad chắc phần lớn trẻ em Việt sẽ chọn ipad, điện thoại để chơi trò chơi.
Giao tiếp thể chất lời nói, động, chạm giữa người với người còn chưa thể hiện sự tôn trọng chứ nói gì đến tính yêu đừng nói đến giúp trẻ học giao tiếp giữa hai tâm hồn để thăng hoa trong cuộc sống.
Có những đôi mắt luôn nhìn xuống vì bị bạo hành.
Có những đôi mắt không thèm nhìn vì không thèm nghe vì quen mình hô lên là vài người lớn xuất hiện.
Có những đôi mắt van lơn vì phụ thuộc cả thể chất và tâm hồn vào người lớn vì quen sống như cây dây leo.
Có những đôi mắt đục ngầu lờ đờ vì thiếu ngủ sinh hoạt theo đồng hồ người lớn.
Có những đôi mắt đảo liên tục vì quen với những chuyển động liên tục của hình ảnh màn hình vô tuyến, điện thoại, ipad, máy tính ở trường, máy tính ở nhà. Cuộc sống thật sao mà tẻ ngắt. Rồi dành cả cuộc đời về sau để học sống chậm mà không được.
Số em bé có đôi mắt trong veo, nhìn mọi thứ xung quanh với ánh mắt thích thú lấp lánh, nhìn thẳng vào mắt mọi người, miệng luôn tươi cười sao ít thế? Các ông bà bố mẹ Việt đã làm gì con mình?
Rất nhiều mẹ inbox hỏi tôi về việc tại sao con không nghe, con không hợp tác, con ăn vạ, con phá phách… có lẽ vì thay vì tăng thời gian dành cho con, tăng số câu nói yêu thương khuyến khích, tăng sự giao tiếp bằng tâm hồn chúng ta dần biến con mình thành máy chỉ thích tương tác với máy, chỉ thích sống với máy và quên học sống giữa người với người.
Sống giữa người với người khác sống với máy móc. Khi cần, bạn bật lên, khi không cần bạn tắt đi. Máy móc luôn nghe lời mình. Người ngoài không thế. Mình có thua game, cáu mình ném máy đi. Mình không ném người đi được. Máy móc nhận thông tin 1 chiều. Cuộc sống thật luôn là con đường hai chiều.
Trong trường học cũng vậy.
Tất cả điện thoại của tất cả các giáo viên đều phải tắt trong giờ làm việc để chắc chắn mọi giao tiếp giữa cô và trẻ không bị gián đoạn, ảnh hưởng.
Hoạt động nhóm hãy chắc chắn là mọi người đều nhìn được mắt nhau trong một vòng tròn đừng ai ngồi sau trẻ.
Các giáo viên hãy ngồi thấp xuống ngang tầm mắt trẻ để giao tiếp bình đẳng.
Khi nói chuyện với trẻ hãy chờ trẻ nhìn vào mắt mình đã mới nói.
Khi mình nói, tay mình dừng để chắc chắn trẻ tập trung nghe và hiểu điều mình nói.
Nếu bạn cần nói với trẻ điều gì hãy đến trước trẻ, ngồi xuống, thực sự giao tiếp với trẻ bằng tất cả mọi công cụ bạn đã có sẵn đừng bỏ mất cái gì.
Hãy lắng xuống để nghe trẻ giao tiếp với bạn. Trẻ đã luôn giao tiếp với người lớn bằng cả tâm hồn mình, đứng phá mất điều đó của trẻ theo thời gian.
Phúc nhờ mẫu. Người mẹ là người đầu tiên làm mẫu mọi điều cho con, từ cái ôm thể hiện yêu thương, giọng nói khi giao tiếp giữa người với người, cách con được nuôi dưỡng bằng bầu sữa mẹ ấm áp, mềm mại, đáp ứng đúng cầu của con, dạy con bài học đầu tiên về lao động để có cái ăn. Người mẹ là người đầu tiên yêu trẻ bằng tất cả trái tim, tâm hồn mình. Người mẹ cũng là người đầu tiên dạy trẻ về giao tiếp bằng cả trái tim và tâm hồn mình bằng việc thực hiện các giao tiếp đó hàng ngày với con. Bố cũng yêu con nhưng tình yêu của bố không quyết định sự sống còn của con. Bố không có bú tí mà.
Phần lớn mọi điều quyết định tương lai và hạnh phúc của một em bé đến từ gia đình, đặc biệt là người mẹ. Hãy chăm sóc các bà mẹ đúng cách để các bà mẹ nuôi dưỡng các thế hệ công dân tiếp theo đúng cách.
Các bà mẹ có 6 tháng nghỉ sau sinh để xây nền móng tính khí, tính cách của con mình. Các giáo viên, các trường học không làm thay được điều đó, reshape – nhào nặn lại các em bé.
Ông, Bà, Bố, Mẹ muốn cháu con mình mai sau hiếu thảo, lớn lên là những con người biết lễ nghĩa để sau này được hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình thì chính là Ông, Bà, Cha, Mẹ phải làm mẫu điều đó suốt những năm Dạy con từ thuở còn thơ. Hãy giao tiếp bằng cả tâm hồn mình với trẻ. Khi làm thế, dù không nói trẻ vẫn nghe, tuyệt vời hơn, nếu trẻ đã luôn được xem mẫu đúng từ tất cả người lớn xung quanh trẻ sẽ tự động luôn làm điều đúng, cái đó nằm trong tính cách của trẻ rồi.
Còn nếu tính khí, tính cách trẻ không như bạn mong muốn, người lớn hãy sửa mình trước để làm mẫu cho trẻ sửa theo.
Đọc thêm các bài viết hay tại: Kinh nghiệm làm cha mẹ.