Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P1] Đúng thời điểm? Đúng cách?

Năng khiếu là của cải vô cùng to lớn, là thứ thuộc về “thiên bẩm” ở trẻ nhỏ mà cha mẹ nào cũng mong mỏi tìm ra và phát triển cho con càng sớm càng tốt. Nhưng vấn đề khó khăn của hầu hết các bậc cha mẹ là tìm ra năng khiếu của con bằng cách nào, phát triển ra sao, có sợ áp dụng sai cách khiến tài năng của con bị thui chột từ sớm? Cùng tìm hiểu và thảo luận về chủ đề này với Bé tư duy cha mẹ nhé!
nangkhieu1

Như cha mẹ đã biết, năng khiếu của trẻ được hình thành từ rất sớm, gần như ngay từ khi con chào đời. “Năng khiếu”- hiểu một cách đơn giản nhất là năng lực, khả năng vượt trội của trẻ được hình thành một cách tự nhiên trong một lĩnh vực nào đó. Nếu được kích thích và phát triển đúng thời điểm, đúng cách thì tài năng của bé sẽ đạt đến mức xuất sắc ngay từ khi còn nhỏ.
Chuyên gia tâm lý Lan Hương, Tổng đài 1088 cho rằng: “thiên khiếu của con người rất đa dạng và năng lực của con người không chỉ bó hẹp ở một loại năng khiếu nào đó, mà có thể là sự kết hợp của nhiều loại năng khiếu khác nhau. Biết con mình sở hữu loại thiên khiếu nào, cha mẹ sẽ biết cách điều hướng và phát triển tối ưu cho trẻ và hơn hết, giáo dục cho trẻ biết bản thân là người có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, tạo ra sự tự tin ở trẻ, đó chính là nền tảng cho trẻ học tốt ở trường và thành công hơn trong cuộc sống sau này”.
Năm 1983, Giáo sư Howard Gardner thuộc Đại học Harvard đã phát triển một định nghĩa mới về trí thông minh thông qua học thuyết Đa trí thông minh (Theory of multiple intelligences). Định nghĩa này cho rằng: trí tuệ của con người không chỉ giới hạn trong hai ngành Ngôn ngữ và Toán học như quan điểm trước đó. Mỗi người đều thông minh theo những cách khác nhau và nếu trí thông minh ấy được phát triển theo hướng đúng đắn sẽ giúp con người thành công trong cuộc sống.
Nghiên cứu của ông cũng đề xuất đến 8 loại hình thông minh khác nhau bao gồm: Trí tuệ ngôn ngữ, Không gian, Âm nhạc, Giao tiếp, Toán học, Vận động, Tự nhiên và Nội tâm. 8 loại hình thông minh mà giáo sư đề cập cũng chính là những dạng năng khiếu cơ bản nhất cần tìm ra và phát triển cho trẻ càng sớm càng tốt.

Thế nào là “đúng thời điểm”?

nangkhieu2
Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, năng khiếu của trẻ tồn tại theo quy luật giảm dần. Nghĩa là năng lực bẩm sinh sẽ bị “hao mòn” dần theo thời gian, và mức độ hao mòn được tính theo cấp số nhân.
Hãy thử tưởng tượng một em bé khi chào đời được tính là có ít nhất một năng khiếu trong lĩnh vực nhất định, chỉ số năng lực lúc này đạt 100%. Nếu được phát hiện và kích thích phát triển trước 3 tuổi, bé sẽ phát huy được tối đa trên 90%. Đến trước 6 tuổi, còn 70% và khi đến 10 tuổi, năng lực bẩm sinh này chỉ còn khoảng dưới 50%.

Vì vậy, trong giai đoạn vàng- trẻ từ 3-6 tuổi, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến những hành vi, cử chỉ và thói quen của con để sớm phát hiện và tích cực bồi dưỡng năng khiếu bẩm sinh cho trẻ. Đây chính là lý do cần “đúng thời điểm” để không làm lãng phí nguồn năng lực “thiên bẩm”, hay chính là nguồn năng lực nội tại hình thành sẵn có trong con.

Thế nào là “đúng cách”?

nangkhieu3
Tìm ra năng khiếu của con đã khó, nhưng phát triển đúng cách còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhiều cha mẹ vì quá khao khát con thành công từ sớm mà tìm mọi cách để phát triển năng khiếu cho con. Điều này không hẳn là không tốt, nhưng nếu không hợp lý thì sẽ tạo ra tác dụng ngược.
Hãy thử lấy một ví dụ về khả năng ca hát của một đứa trẻ lên ba. Con rất thích hát, cha mẹ sớm nhận ra năng lực ở con bèn cố gắng tạo mọi điều kiện để phát triển tài năng cho con bằng cách đưa bé đến các lớp luyện thanh chuyên nghiệp, luyện tập thật nhiều, cho con tham gia càng nhiều cuộc thi càng tốt.
Song ở độ tuổi này, thế giới quan của trẻ bắt đầu được hình thành, con được tò mò, được học hỏi, được khám phá thế giới, vạn vật xung quanh. Nếu hát là niềm yêu thích, say mê của con nhưng đổi lại, con phải chịu những tập luyện căng thẳng, o ép gò bó từ sớm, tất trong trẻ sẽ dần nảy sinh những cảm xúc chán ghét.
Như vậy, không những không kích thích được sự say mê, phát triển năng lực của trẻ mà vô tình khát khao đó của cha mẹ còn làm thui chột, mai một đi vốn năng khiếu “trời phú” của con. Do đó, sự “đúng cách” khi áp dụng các phương pháp kích thích, phát triển năng khiếu cho con là rất quan trọng, đòi hỏi cha mẹ có sự tìm hiểu, nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng.
Trên đây là những lý giải ban đầu về sự cần thiết của việc “đúng thời điểm” và “đúng cách” khi cha mẹ muốn khơi dậy và phát triển năng khiếu cho con. Những dạng năng khiếu phổ biến ở trẻ và các phương pháp bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ đúng đắn nhất sẽ được cập nhật ở phần tiếp. Kính mời cha mẹ và các quý độc giả cùng theo dõi!


Mời cha mẹ đọc đầy đủ 3 phần của nội dung khơi dậy năng khiếu bẩm sinh cho trẻ ở đây:

Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P1] Đúng thời điểm? Đúng cách?

Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P2] Trẻ có những loại năng khiếu nào? Làm thế nào để phát hiện?

Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P3] Những sai lầm thường gặp

Leave a Reply