Sách được đóng góp bởi cộng đồng để dành cho cộng đồng mượn về miễn phí.
Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách để mượn sách miễn phí.
Số trang: 165
Giá bìa: 118.000
Book Description
Desert Dog là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của Jim Kjelgaard (James Arthur Kjelgaard, 1910 – 1959). Sau thành công của tiểu thuyết Snow Dog (1948), tác gia văn học thiếu nhi nổi tiếng nước Mĩ một thời đã tiếp tục cho ra đời một tác phẩm được coi là “mặt đối lập” với Snow Dog, đó là Desert Dog (1956).
Desert Dog, hệt như tiêu đề, là chuyện kể về một con chó nơi sa mạc cháy nắng. Nâu vốn là một con chó nhà, trong một tai nạn bất ngờ, nó đã mất đi Fred – chủ nhân mà nó hằng yêu quý và tôn thờ. Con chó thông minh đầy tình nghĩa đã cố gắng tìm lại cảm giác tôn thờ, ở những người từng là bạn bè của chủ nó, nhưng không được. Nấn ná mãi, cuối cùng thì Nâu cũng dứt được thói quen dựa dẫm vào dây xích và vòng cổ, để đi tìm tình yêu mà nó đã mất khi Fred ngã xuống.
Bởi vậy, con chó đã vô tình trở về với tự nhiên, vô tình dấn thân vào cuộc sống khắc nghiệt nơi sa mạc bỏng rát.
Số phận của Nâu, oái oăm thay, không phải là duy nhất. Cả sa mạc mênh mông rát cháy, đâu đâu cũng hiện hữu những số phận bị ruồng rẫy từ thế giới văn minh của loài người. Từ con lừa thồ Molasses, con chó Đen, đến băng đảng chó hoang Brutus, đều là lũ súc vật mà con người thải loại, sau khi đã tận dụng chúng hết sức. Đó là còn chưa kể đến những cá thể yếu ớt đã chết sau vài ngày không tìm được nước uống, khi bị thảy vào hoang mạc khô cháy này.
Những con vật sống gần người, đã quen phụ thuộc vào sự bao cấp của con người, sẽ chống chọi ra sao trong chặng đường gian nan phía trước, ở nơi có địa hình và thời tiết khắc nghiệt nhất của thế giới tự nhiên?
… Lại sang một ngày mới nóng như thiêu đốt. Giờ thì lũ thỏ cũng không khác gì bụi xương rồng trước mặt Nâu. Bọn thỏ dường như có thể sống không cần nước. Hươu và các con ăn lá khác có thể gặm roàn roạt lá xương rồng gai, lũ lừa thồ có thể xé toang vỏ cây saguaro để chíp nước. Nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn lăn ra chết khát, mỗi khi thời tiết hạn hán quá lâu. Tình trạng này bi đát hơn nhiều, đối với lũ thú nuôi quen sống trong bao bọc và chu cấp của con người.
Một con bò đực khốn khổ, cúi đầu thấp tới mức mũi quét đất, chạy ào ào như hoá dại qua mặt hai con chó, lao thẳng vào một cây xương rồng saguaro to đã bị chíp hết nước. Sau cú húc, con này dùng chân trước cào như điên dại vào thân cây rồi bất ngờ sụp xuống, hệt một món đồ chơi máy khổng lồ đang xả cót bỗng đột ngột hết cót. Hai con chó thất thần đi qua.
Đen liêu xiêu đi sau Nâu. Đầu nó lủng lẳng như không còn sinh khí, lưỡi thè dài ra khô khốc. Trên đồi đá, dưới cái nắng nóng kinh hoàng, xuất hiện một ảo ảnh như thể vũng nước. Nhưng đường tới chỗ có nước xa như tới chân trời…
Hàng loạt những kiến thức về sinh tồn trên sa mạc đã được tác giả triển khai trong mười một chương của cuốn truyện. Nơi sa mạc, căng thẳng nhất không phải chuyện thức ăn, mà là vấn đề nước uống. Những cách thức tìm nước trong thiên nhiên được tác giả “mách nước” cụ thể, từ việc đào hố sâu trong lòng đất hòng tìm mạch nước ngầm, đến việc chắt chiu chút nước ít ỏi từ đám sương móc đọng trên cây lá.
Cả mùa hè đầu tiên sau khi đi hoang, Nâu chỉ để tâm vào việc săn nước, và trên hành trình khốn khổ này, con vật đã học được biết bao bài học từ thiên nhiên. Nó luyện được khả năng ngủ dưới nắng trời bỏng rát, biết nằm im bảo toàn sức lực trong lúc quẫn bách vừa khát nước vừa ngột ngạt vì nóng. Nó biết theo dấu muông chim đi tìm nơi có nước, thông thuộc tất cả những cái vũng bé nhỏ như những ốc đảo của sa mạc, hoặc lần mò đến được nơi thượng nguồn con nước dồi dào. Và đặc biệt hơn, Nâu còn biết lấy nước gián tiếp, thông qua những cá thể của tự nhiên:
… Mặt trời vẫn nhẫn tâm nung bỏng sa mạc cát như muốn thử thách Đen. Hai con đi theo lối một con bò vừa đi qua. Trong khi đi tìm vũng nước, con này đã dùng móng guốc bửa nát vài cây xương rồng thùng. Loài xương rồng có hình dáng giống như cái thùng hình cầu, vô tình biến thành nơi trữ nước tự nhiên. Mỗi múi thân là một ngăn ôm lấy một túi trữ nước mà Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng, để chúng dùng dần trong nhiều tháng hạn hán. Giờ thì các ngăn đó chỉ còn chứa thứ nước sền sệt.
Nâu ăn một miếng cùi sền sệt ấy, Đen bắt chước ăn theo. Đen hào hứng ăn thêm một khoanh khác, mải mê đến nỗi bị một cái gai xuyên vào chân. Đen khẽ rên lên, dùng mõm nhổ cái gai ra rồi lại ngốn ngấu ăn. Nó chẳng thấy ngon lành gì cả, nhưng dù gì thì đó cũng là nước. Có nước, nó có thể đi tiếp…
Khi xây dựng đời sống loài vật nơi sa mạc, Jim Kjelgaard đã đặt Nâu vào thế đối diện với băng đảng của Brutus. Brutus cũng xuất thân từ chó nhà, theo gia chủ đến sa mạc tránh cái rét mùa đông phương bắc. Nhưng chuyến di cư của nó đã trở thành chuyến đi một chiều. Trong ba tháng tránh đông, nó đã quá lớn không thể đủ chỗ trên hành trình quay trở về phương bắc khi mùa hè đến. Và Brutus đã bị gia chủ vứt bỏ lại sa mạc, với tâm thế rằng đằng nào nó cũng chết khát trong mùa hè bỏng cháy nơi này, thì cần gì phải ra tay tặng nó một viên đạn vào đầu?
Toan tính ích kỉ đó của con người, đã đẩy Brutus và lũ chó hoang bầy đàn cũng bị chủ vứt lại nơi sa mạc vào một cuộc sống mới. Không giống như Nâu, băng đảng Brutus đã rẽ theo con đường lại giống, trở về hoang dã với đầy đủ thuộc tính man rợ của loài ăn thịt và săn đuổi. Thậm chí, lũ chó hoang này còn tàn ác hơn cả tổ tiên của chúng, bởi đã có thời gian ở gần người nên chúng đủ khôn ngoan để chống lại mọi thứ, kể cả con người.
Đó là con đường tất yếu của những kẻ bị ruồng bỏ.
Xung đột giữa Nâu và Brutus, thực chất là xung đột giữa hai cách ứng xử của con người với loài vật. Nâu không hận thù, nó sống hoà hợp với muôn vật, dựa dẫm vào tự nhiên, nghe theo lời mách bảo từ bao thế hệ tổ tiên. Nó biết nhún nhường và chia sẻ khó khăn với các con vật khác, trong nhu cầu khẩn thiết về nước hoặc để tránh nóng. Nó còn mở lòng ra bao bọc Đen, trong khi bản thân nó cũng đang hết sức vất vả để sinh tồn. Điều gì đã làm nên một con chó đầy tình thương và trách nhiệm này, nếu không phải từ cách thức mà Fred đã yêu thương nó?
Sống với Fred, Nâu có được ba điều mà bất kì con chó đua nào cũng mơ ước: tốc độ, tự do và tình yêu. Fred yêu nó, hiểu nó và chăm sóc nó tận tình. Anh gợi được cho nó tinh thần cộng cư của muôn loài trong thế giới tự nhiên. Khi Fred nằm xuống, Nâu cũng không bị chủ sở hữu của nó ruồng bỏ. Charles Northcott không hiểu Nâu như Fred, nhưng ông ta quý trọng nó như đã từng quý đàn chó đua của mình. John Weston cũng nhìn thấy khả năng và giá trị nổi bật của Nâu. Lúc nó bỏ đi, hai người này còn cố công sục sạo tìm kiếm nó trong một vùng sa mạc. Những ứng xử đầy nhân văn đó đã xây dựng cho con chó một bản lĩnh sống kiên cường, thứ bản lĩnh được ràng buộc bởi tình yêu, nên không bao giờ bị tha hoá. Sau tất cả những vất vả vật vã, cuối tác phẩm, người ta thấy Nâu đi về phía yêu thương, với chủ nhân mới và bạn cún Đen của mình.
Nâu có thể trở về hoang dã, nhưng nhất định nó không bao giờ man dại và tàn độc, như những gì Brutus và bầy chó hoang từng làm.
Đó cũng là quy luật của tự nhiên: yêu thương trả lại yêu thương, hận thù sinh ra thù hận.
Đó cũng là thông điệp mà Jim Kjelgaard muốn chuyển tải, trong câu chuyện về sa mạc cháy bỏng này.
(Nguồn: Kẹp hạt dẻ)
———————– Đăng ký mượn sách —————————–
Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách để mượn sách miễn phí. Hướng dẫn mượn sách miễn phí:
- Liên hệ với Bé tư duy để Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách.
- Chọn sách với tình trạng “Có sẵn” trong “Danh mục sách của dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách”.
- Gửi tin nhắn/email/gọi điện tới Bé tư duy theo thông tin phía dưới để mượn sách.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm sách của Bé tư duy tại đây.
Tìm hiểu thêm thông tin bằng cách liên hệ với Bé tư duy:
- Gửi email: betuduy@gmail.com
- Fanpage: Bé tư duy
- Điện thoại: 0944 122 255