Chuyện hay cho trẻ – Có công mài sắt có ngày nên kim

Ở một làng kia có một chàng trai mồ côi cha. Nhà chỉ còn hai mẹ con, nhưng mẹ chàng là người đảm đang, tháo vát nên cuộc sống của hai mẹ con cũng khá giả. Chỉ phải cái chàng trai hiền quá hóa đần. Đã vào tuổi đôi mươi nhưng chàng chưa biết làm ăn gì, vẫn sống nhờ mẹ.

Mẹ chàng thấy con thua kém bạn bè thì thương lắm. Một hôm bà đưa cho chàng một túi bạc và bảo: “Con hãy dùng số tiền này, bao giờ học được một nghề thì trở về với mẹ”. Chàng trai vâng lời mẹ, cầm túi bạc ra đi. Chàng đi mãi mà vẫn chưa tìm được nghề gì để học. Một buổi sáng chàng gặp hai người vừa chữa bệnh vừa bán thuốc dạo đang gõ “phèng phèng”.

Chàng trai xem thấy hay hay liền xin biếu túi bạc để được gõ phèng phèng và học nghề. Từ đó, ngày ngày chàng trai theo thầy ra chợ cầm dùi gõ “phèng phèng”. Hai thầy dạy chàng các bài thuốc và cách chữa nhiều loại bệnh.

Nhưng chàng chứ học trước quên sau, suốt ba năm chàgn chỉ học được mỗi cách chữa bệnh về mắt. Cho là đã học được nghề, chàng liền từ biệt thầy trở về nhà. Vốn quý chàng học trò hiền lành tốt bụng, hai thầy bịn rịn tiễn chàng đi.

Bà mẹ thấy con học được nghề chữa mắt thì mừng lắm, đi đâu bà cũng khen tài chữa mắt của con. Hồi ấy có một nhà giầu ở làng bên nghe tin liền cho người đến đón chàng về chữa mắt cho con gái. Cô gái bị đau mắt đã mấy năm. Cha mẹ cô đã chạy vạy tìm thầy tìm thuốc khắp nơi nhưng bệnh của cô vẫn không đỡ mà ngày càng nặng hơn.

Nhờ có bài thuốc đã học được, chàng trai chữa cho cô gái khỏi bệnh. Đôi mắt của cô lại đen láy và sáng long lanh như xưa. Cha mẹ cô mừng hơn bắt được vàng. Thấy chàng trai hiền lành, mặt mũi khôi ngô họ bèn gả luôn cho con gái chàng. Nhưng sau khi về nhà chồng, cô vợ mới phát hiện ra chồng mình không biết làm gì ngòai việc chữa mắt.

Đã thế từ khi có vợ, anh chàng đâm lười biếng, cứ nằm dài ở nhà. Cô vợ giục đi chữa bệnh kẻo quên mất nghề, mãi chàng mới bước ra khỏi nhà. Nhưng một lúc sau đã quay về và bảo vợ rằng: “Mắt ai cũng sáng như sao cả, lấy đâu ra mà chữa”. Thấy thế cô vợ đành nói: “Vậy thì chàng đi mau đầu chợ, ăn cuối chợ xem sao”.

Theo lời vợ dặn, chàng đến đầu chợ mua các loại bánh trái rồi la cà đến cuối chợ ngồi ăn. Mãi đến khi chợ tan, chàng mới lò dò về nhà. Cô vợ thấy vậy liền kêu lên: “Trời ơi, ý thiếp muốn chàng mua hàng đầu chợ, đến cuối chợ có lãi thì bán chứ có bảo chàng ăn quà đâu!”.

Nhưng cô vợ vẫn không nản lòng. Hôm sau, cô chuẩn bị một gánh vải tấm cho chồng đi bán và dặn: “Chàng tìm chỗ đông người mà bày hàng cho dễ bán”. Người chồng thấy chỗ trường học đông vui tấp nập liền bày vải ra bán. Nhưng đám học trò lấy tiền đâu ra mà mua.

co cong mai sat co ngay nen kim

Một trang trong cuốn sách của NXB Mỹ Thuật.

Đến chiều, người chồng thất thểu gánh hàng về và trách vợ: “Tôi làm theo lời nàng nên mới bị ế hàng. Tôi cố chọn một chỗ đông nhất mới bày bán, nhưng đám đông ấy chỉ giỏi nô đùa chứ không chịu mua bán gì”. Cô vợ thất vọng quá đã định bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô muốn cố giúp chồng một lần nữa xem sao. Lưng vốn còn hai thỏi vàng, đợi ngày phiên chợ, cô đưa nốt cho chồng và dặn dò kỹ càng: “Lần này chàng nhớ đến đầu chợ, thấy cái gì rẻ thì mua, đến cối chợ thấy có chút lãi thì bán nhé”.

Người chồng cầm hai thỏi vàng đi chợ. Nhưng mới đến bờ sông, chợt thấy hai con ngỗng đánh nhau, sẵn thỏi vàng trong tay chàng liền ném luôn xuống nước để can đôi ngỗng. Quả nhiên hai con ngỗng hoảng hốt rời xa nhau ra, mỗi con bơi đi một ngả. Thấy vậy người chồng thích thú reo cười mãi không thôi, quên khuấy luôn lời vợ dặn. Đang đùa vui, chàng sà uôn vào chơi đánh khăng đánh đáo với bọn trẻ trâu bên triền đê, đến quá trưa mới trở về nhà.

Thấy chồng tay không trở về, cô vợ ngạc nhiên hỏi: “Hai thỏi vàng thiếp đưa ban sáng chàng để đâu rồi?”. Bấy giờ người chồng mới sực nhớ là đã chót ném xuống sông mất rồi. Vừa giận chồng, vừa tủi thân mình lấy phải anh chồng đần, cô vợ nghẹn ngào bỏ nhà ra đi. Mới ra đến bên sông cuối làng, cô gặp mấy chàng trai, họ bảo nhau: “Người xinh đẹp thế kia mà vớ phải anh đần chẳng khác gì bông hoa nhài cắm bãi phân trâu! Phí cả đời!”.

Biết là họ trêu chọc mình, cô vợ càng tủi thân đã toan gieo mình xuống sông tự vẫn. Chợt cô thấy có một anh chàng đang dùng cái sàng múc nước sông lên sàng đi sàng lại. Thấy lạ, cô gái hỏi: “Chàng sàng nước làm gì vậy?”. Anh chàng kia trả lời: “Hôm qua tôi lỡ đánh rơi cái kim xuống đây. Tôi sàng nước để tìm suốt từ hôm qua đến giờ vẫn chưa thấy”. Cô vợ thấy vậy thầm nghĩ: “Thế ra trong thiên hạ còn có người đần độn hơn cả chồng mình!”. Sau đó, cô trở lại nhà và nghĩ cách dạy chồng.

Người chồng đang ngồi ủ rũ trên cầu ao, thấy vợ quay về thì mừng lắm. Vốn con nhà khá giả lại thông minh nên từ bé cô vợ đã được cha mẹ cho đi học. Bấy giờ cô ra chợ sắm sách vở về đóng cửa dạy chồng. Được vợ tận tâm dạy dỗ, người chồng học hành tấn tới. Ngày nào chàng cũng chong đèn học tới khuya. Có những hôm chàng mải học đến quên cả ăn. Cô vợ còn sang nhà cụ đồ dạy cô năm xưa mượn sách về cho chồng học.

Thấy chồng mỗi ngày đầu óc một sáng láng hơn, cô mừng lắm. Cô cáng đáng hết mọi việc trong nhà để chồng chỉ lo sớm hôm đèn sách. Thời gian thấm thoát trôi đi, người chồng ngốc nghếch hôm nào giờ đã là người hiểu biết, thông thạo chữ nghĩa. Đến kì nhà vua mở khoa thi, chàng vác lều chõng lên kinh vào trường thi.

Thật bất ngờ, kì thi năm ấy, văn bài của chàng làm rất xuất sắc và chàng đã đỗ tiến sĩ. Hôm chàng vinh quy bái tổ, bà con làng trên xóm dưới kéo đến đón mừng, ai cũng tấm tắc khen vợ chồng chàng rằng: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Nguồn: Tranh truyện cổ tích Việt Nam – NXB Mỹ Thuật.

Đọc thêm: Những câu chuyện hay dành cho trẻ.

Leave a Reply