SỰ CẠNH TRANH CÓ TỐT CHO TRẺ KHÔNG?

Là một người mẹ, tôi rất yêu con mình. Hiển nhiên là thế. Lúc nào tôi cũng muốn dành cho những đứa trẻ của mình thứ tốt nhất có thể. Một bữa ăn ngon nhất, được học những nơi tốt nhất, quần áo đẹp nhất … Tôi cũng luôn muốn động viên con bằng cách khuyến khích có, trách móc có, bắt con phải cạnh tranh với bạn bè cũng có. Nhiều khi tôi phải tự đấu tranh với bản thân mình khi đứng trước những câu hỏi mâu thuẫn nhau: Cái này tốt cho con, nhưng con lại không vui thì sao? Có nên so sánh con với người khác không? Nếu không, làm sao con biết con đang ở mức độ nào? Tại sao bọn trẻ chỉ hứng thú khi chơi các trò chơi điện tử hoặc xem ti vi, mà không hề hứng thú với việc học hành? Làm sao để trẻ có tinh thần cạnh tranh không nguy hiểm?

canh tranh

Theo Sugahara Yuko: “Trẻ em hiện nay đang sống trong xã hội của sự cạnh tranh. Nhưng đó không phải là một cuộc cạnh tranh lành mạnh mà cha mẹ mong muốn, đó là cách sống của cha mẹ và xã hội đã vô tình hay cố ý đòi hỏi ở các em. Trong xã hội cạnh tranh này, trẻ em được dạy rằng, để đánh giá giá trị của bản thân, không thể cứ nhìn vào những đặc điểm vốn có của mình mà phải trên cơ sở so sánh với người khác”.

Ồ, đây đúng thật là những suy nghĩ của tôi và rất nhiều ông bố bà mẹ khác. Chúng tôi luôn nói với con rằng, con phải biết so sánh với người khác để tự biết mình đang ở đâu. Rõ ràng, cạnh tranh là nguồn cơn của sự phát triển. Trong nhiều lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, thể thao, kinh tế…nhờ có sự cạnh tranh mà con người đã đạt được nhiều thành tựu. Vậy thì, cạnh tranh không hề xấu? Nhưng cạnh tranh thế nào để không trở thành gánh nặng đè lên vai con, không trở thành áp lực làm cho con cảm thấy nặng nề? Đó là một câu hỏi khó.

Đến ngay cả như chúng ta, những người đã làm cha mẹ, trong cuộc sống hay công việc rất nhiều khi chúng ta phải đối diện với sự cạnh tranh khiến mình mệt mỏi và bất an. Vậy thì với trẻ nhỏ, chắc hẳn chúng sẽ không thể có được sự yên ổn khi phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh.

Vậy thì, làm thế nào để con có được sự thoải mái, phát triển tự nhiên trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh?

(Hết phần I)

Leave a Reply