Giai đoạn nhạy cảm không chỉ là khoảng thời gian quan trọng trong hoạt động học tập mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và tư duy cũng như tính cách của trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tôn trọng những hành động mà tự nhiên đã dành tặng cho con, đồng thời đưa ra những hướng đi cần thiết, giúp trẻ không bỏ lỡ cơ hội duy nhất này.
Maria Montessori từng phát biểu rằng: “Những đứa trẻ trải qua thời kỳ nhạy cảm đang nhận sự chỉ huy từ một mệnh lệnh thần kì trong vô thức, ngay cả tâm hồn bé nhỏ của chúng cũng nhận được sự khích lệ”.
Sau một thời gian dài quan sát và nghiên cứu ở trẻ em, Tiến sĩ Maria Montessori đã đưa ra 6 giai đoạn nhạy cảm trong suốt quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Đây là kiến thức vô cùng quan trọng cho cha mẹ và những người chăm sóc trẻ em, hiểu về giai đoạn nhạy cảm trong sự phát triển của trẻ sẽ giúp phụ huynh chúng ta thông cảm và có cách nuôi dạy trẻ phù hợp trong từng thời điểm cụ thể.
4 trò chơi giúp trẻ phản ứng nhanh. |
5 bài tập vận động tốt cho trẻ 1-3 tuổi. |
1. Thứ nhất: Giai đoạn nhận thức giác quan (0-4 tuổi)
Giai đoạn này bắt đầu từ lúc mới sinh đến năm 4 tuổi. Trong giai đoạn nhạy cảm này, trẻ em cần phải được vận dụng tất cả các giác quan để hoàn thiện và mở rộng khả năng phát triển của bản thân.
2. Thứ hai: Giai đoạn phát triển ngôn ngữ (0-6 tuổi)
Maria Montessori chỉ ra rằng từ 3 tháng tuổi đến năm 6 tuổi là giai đoạn vô cùng nhạy cảm đối với sự phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ. Trẻ sơ sinh có thể phân biệt được những sự khác nhau trong giọng nói của người lớn và hơn nữa còn để ý và nhận thức được những chuyển động của miệng người nói chuyện. Chính vì trẻ có thể phân biệt rất rõ ràng âm thanh ngôn ngữ và có khả năng bắt chước nên khả năng tiếp thu và học các ngôn ngữ khác nhau của trẻ diệu kỳ hơn nhiều so với người lớn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nên cẩn trọng để trẻ có một môi trường ngôn ngữ phong phú lành mạnh xung quanh để tạo điều kiện cho trẻ phát triển hoàn thiện về ngôn ngữ, tránh tình trạng nói ngọng. Người lớn tránh văng tục, chửi thề trước mắt trẻ.
Khi nào cần dạy kỹ năng sống cho trẻ? |
Năng khiếu có di truyền hay không? |
3. Thứ ba: Giai đoạn nhạy cảm về sự trật tự (0-3 tuổi)
Trẻ trong giai đoạn này cần sự ổn định và thời kỳ này còn được gọi là giai đoạn tổ chức. Trẻ cần có cảm giác an toàn, trẻ tập trung vào việc hình thành và phát triển các thói quen hoặc khuôn mẫu trong môi trường sống xung quanh trẻ.
4. Thứ tư: Giai đoạn chú ý vào chi tiết (0-2 tuổi)
Trong giai đoạn này, trẻ phát triển khả năng tập trung vào một sự việc, một tình huống cụ thể. Đây là thời kỳ trẻ luyện tập khả năng tập trung – chú ý. Chúng ta đều biết rằng khả năng tập trung – chú ý là vô cùng quan trọng và nó chính là một trong những yếu tố quyết định năng suất và hiệu quả học tập cũng như lao động của mỗi người.
5. Thứ 5: Giai đoạn phát triển kỹ năng hoạt động (1,5-2,5 tuổi)
Đây là giai đoạn trẻ luyện tập kỹ năng kiểm soát các hoạt động của cơ thể. Trẻ có một sự kích thích rất tự nhiên để đạt được kỹ năng hoạt động của mình. Chính vì thế, trẻ thường lặp đi lặp lại một hành động nào đó cho đến khi làm được một cách thành thạo mới ngưng. Rất nhiều bậc phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cảm thấy bực mình, khó chịu khi con mình cứ lặp đi lặp lại một việc nào đó và họ cho rằng như thế là rất mất thời gian. Họ thường bế trẻ đi chỗ khác hoặc chen ngang không cho trẻ thực hiện hành động đó nữa. Tiến sĩ Maria Montessori cho rằng đó là sự can thiệp thô bạo vào sự phát triển vốn rất tự nhiên của trẻ.
Đọc thêm: Tìm hiểu về khả năng lưu trữ thông tin của não bộ.
6. Thứ sáu: Giai đoạn nhạy cảm đối với các mối quan hệ xã hội (2,5 – 5 tuổi)
Trong giai đoạn này, trẻ thường xuyên chú ý đến hành vi của người khác cũng như hành động, thái độ và sự phản ứng của mọi người trong một nhóm. Đây là giai đoạn chúng ta nhận thấy được tình bạn giữa những đứa trẻ phát triển và chúng có thể cùng nhau đưa ra những ý tưởng rất hay cho một số trò chơi chung. Chính vì vậy, giai đoạn này cũng là khoảng thời gian thích hợp để chúng ta hướng dẫn cho trẻ những thái độ đúng đắn và những nguyên tắc cơ bản trong sự tương tác giữa người với người, cũng như sự cân nhắc suy nghĩ vì người khác.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về sáu giai đoạn nhạy cảm của trẻ theo Maria Montessori. Từ đó, tùy theo từng giai đoạn nhạy cảm cụ thể mà bố mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ để phát triển tư duy của trẻ, trí tuệ và cảm xúc của trẻ, để trẻ trở nên hoàn thiện hơn về mọi mặt trong tương lai.
Bài viết liên quan:
Bố mẹ có thể áp dụng phương pháp Montessori ở nhà như thế nào?
Phương pháp Montessori hoạt động theo nguyên tắc nào?