Bạn nghĩ thế nào là giáo dục thành công một đứa trẻ?

Giáo dục trẻ là một quá trình đầy gian nan, thử thách nhưng phụ huynh chúng ta nên chăng hãy xác định đích đến cho hành trình này khi trả lời câu hỏi “Thế nào là giáo dục thành công một đứa trẻ.”

Hôm nay cùng bạn bè đi thăm chị bạn mới sinh con được 6 tháng. Sau một hồi chuyện trò hỏi han, chị bạn sốt sắng hỏi thăm chúng tôi có người quen ở trường mầm non A, trường tiểu học B không. Khi chúng tôi hỏi chị hỏi thăm giúp người nhà à. Câu trả lời của chị làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt vì chị muốn đặt quan hệ để sau này xin cho con chị vào học. Càng ngạc nhiên hơn nữa là mấy cô bạn đi cùng đều đồng tình với việc lập kế hoạch cho tương lai của con từ khi mới lọt lòng. Khi tôi yếu ớt phản đối về việc xác định trường và ngành học cho con từ khi con lọt lòng có phù hợp hay không. Tất cả đều đưa ra phản biện: Cha mẹ hiểu biết hơn con nên sẽ biết con đường đi nào là tốt cho con. Vì vậy cha mẹ lập kế hoạch cho tương lai của con là một việc làm cần thiết. Tôi hỏi các bạn mình về kết quả cần đạt được của kế hoạch tương lai đó là gì? Câu trả lời khiến tôi chuyển từ ngạc nhiên sang hoang mang vì không ai đưa ra được kết quả mong muốn cho bản kế hoạch của mình.

Đọc thêm: Quy tắc 10 000 giờ, nỗ lực ắt thành công.

Vậy là chúng ta cứ đi nhưng không biết con đường đó dẫn tới đâu, kết quả của những kế hoạch dự định là gì. Điều này thật sự rất phi lý nhưng phụ huynh chúng ta đang hành động như vậy trong việc giáo dục con cái. Một điều phi lý hơn nữa là chúng ta lập kế hoạch cho tương lai của con nhưng bản kế hoạch đó không được xây dựng dựa trên chính mong muốn của cha mẹ và thường ít để ý đến chính bản thân đứa trẻ, thậm chí chúng ta còn dựa trên là trào lưu xã hội. Nào là phương pháp dạy học sớm, nào là sữa giúp trẻ thông minh, nào là chọn trường cao cấp cho con học, nào là chọn nước cho con du học.

Điều đó không có gì sai, nhưng chúng tôi mong cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn tới tâm trạng và cảm xúc của trẻ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ biến con trở thành những con rô bốt biết nói, biết vâng lời thay vì trở thành những đứa trẻ quả cảm, có chính kiến độc lập. Nhiều đứa trẻ bây giờ học là học cho cha cho mẹ, chứ không biết rằng học là để ấm vào thân. Học là vì cha mẹ ép học, chứ không phải học là vì đam mê học hành.

Giáo dục trẻ là một quá trình đầy gian nan, thử thách nhưng phụ huynh chúng ta nên chăng hãy xác định đích đến cho hành trình này khi trả lời câu hỏi “Thế nào là giáo dục thành công một đứa trẻ.”

Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về thành công. Nhưng tôi tin rằng thành công là khi đạt đến giá trị cao nhất và cho đi những điều tốt nhất trong giới hạn của những khả năng và trải nghiệm mà ta đang có. Cuộc sống không đòi hỏi chúng ta phải đứng hàng đầu, mà chỉ yêu cầu chúng ta cố gắng làm tốt tối đa trong từng việc chúng ta đang làm.

Đọc thêm: Nuôi dưỡng trẻ hạnh phúc một cách khoa học.

introvert_custom-39b611dac82e54d53c6af5b37bb6337c928e8f73-s800-c85

(Nguồn ảnh: https://www.npr.org)

Thay vì lập kế hoạch biến con cái trở thành người dẫn đầu, sao chúng ta không dạy trẻ:

  • Hiểu được sự khác biệt giữa “sống” và “tồn tại”. “Sống” thật sự với tất cả nhiệt huyết chứ không để cuộc sống “cuốn trôi” mình. Biết trân trọng cuộc sống với tất cả các giá trị của nó cùng những thành quả mà trẻ đã nỗ lực đạt được.
  • Luôn giữ thái độ sống tích cực. Biết tìm kiếm, khám phá những điều tốt đẹp ở người khác và thế giới xung quanh. Dạy cho trẻ hiểu được rằng: khó khăn và thử thách chính là những cơ hội để con thử sức và trải nghiệm.
  • Luôn có nhu cầu học hỏi. Học hỏi là một thú vui chứ không phải là một nhiệm vụ. Những kiến thức mới sẽ làm phong phú hơn cho cuộc sống của trẻ và từ đó giúp trẻ trưởng thành hơn.
  • Giáo dục trẻ biết chia sẻ từ nhỏ, để con biết rằng “cho đi” cũng là một loại hạnh phúc.
  • Hãy để trẻ lớn lên và biết rằng mình là người có khả năng, con là duy nhất và rất nhiều bạn khác cũng thế. Hãy luôn luôn ở bên cạnh, dõi theo những khó khăn con gặp phải, nhưng hãy để cho trẻ tự đối diện với thử thách và vượt qua nó.
  • Trong giai đoạn trẻ còn nhỏ từ 0-6 tuổi, đó là một giai đoạn rất đặc biệt trong sự phát triển suốt cuộc đời sau này của bé. Vì thế, cha mẹ hãy cho con tự do làm điều con thích thấy thích thú, tôn trọng cảm giác của con, để con được khóc, cười và bộc lộ cảm xúc của mình, để con được đưa ra ý kiến dù ngô nghê…. Hãy trao cho con tình yêu khám phá cuộc sống, tình yêu giữa người với người….rồi để con tự sống cuộc sống của mình.

Bài viết trên đây là lời gan ruột của một người mẹ viết, đó là nỗi lòng của chị nhưng cũng là nỗi lòng của tất cả chúng tôi, nhóm thực hiện dự án giáo dục Bé tư duy. Chúng tôi đều là những người đang gánh trên vai trọng trách làm cha mẹ với đầy bỡ ngỡ. Đề tài “giáo dục thành công” là một đề tài khó, không phải người lớn nào cũng trả lời được cho chính cuộc đời họ chứ đừng nói đến cuộc đời của con cái mình. Thế nhưng, nếu bạn cũng nghĩ  như chúng tôi rằng sự nghiệp làm cha mẹ của bạn thành công khi có thể giúp con thành công thì hãy cùng đồng hành tiếp tục với chúng tôi nhé. Với Bé tư duy, con thành công khi con hạnh phúc!


Đọc thêm các bài viết liên quan tại:

Học chuyên gia Nhật Bản: 5 nguyên tắc giáo dục trẻ 2-3 tuổi.

Giúp con rèn luyện 7 thói quen sống để con lớn lên trưởng thành và hạnh phúc.

Leave a Reply