“Tính kiên nhẫn và thời gian làm được nhiều hơn là sức mạnh hay nhiệt huyết” – La Fontain.
Cha mẹ phải làm gì nếu trẻ thường rất hứng khởi khi bắt đầu một công việc nào đó như vẽ tranh, giúp mẹ thu dọn đồ chơi, gấp quần áo nhưng theo thời gian sự hào hứng đó cứ giảm dần; cuối cùng là bé bỏ dở công việc?
Bạn đừng lo lắng quá vì tình trạng này không phải chỉ xảy ra với một vài trẻ. Cá nhân tôi cũng đã từng rất căng thẳng với việc làm cách nào để con theo đuổi công việc đến cùng. Thật may mắn là tôi là phụ huynh của hai bạn nhỏ và hai bé có hai cách hoàn toàn khác nhau trong cách làm việc. Nhờ vậy tôi đã học được phương pháp tốt hơn phương pháp tôi vẫn sử dụng khi giúp con hoàn thành công việc tới cùng.
Đọc thêm: Trẻ thường có năng khiếu gì? Biểu hiện như thế nào?
Tôi có hai đứa trẻ với hai tính cách khác nhau
Bạn bé luôn khởi đầu công việc với sự hào hứng, vui thích. Bé luôn hoàn thành vượt quá định mức công việc trong ngày và dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho công việc của mình. Bạn lớn luôn bắt đầu công việc với tâm thế đó là việc cần phải làm, và bạn cảm thấy vui vẻ khi bạn hoàn thành được công việc của từng ngày. Bạn không bao giờ làm vượt mức công việc và thời gian còn lại trong ngày bạn dành cho nhiều công việc khác nhau. Với cách làm của bạn bé thì thời gian đầu công việc của bạn hoàn thành rất nhanh, rất tốt nhưng bạn cũng bỏ bê các công việc khác đang làm dang dở. Theo thời gian, cảm xúc hưng phấn nguội dần thì công việc cũng trở nên “đầu voi, đuôi chuột”. Bạn lớn thì cứ từ tốn hoàn thành công việc của từng ngày nên việc nào của bạn cũng hoàn thành đúng như dự định.
Tôi đã hỏi con mình về cảm xúc của con khi ngày ngày tập trung vào việc hoàn thành công việc hàng ngày của bé. Bé trả lời: “Con cảm thấy vui khi con hoàn thành công việc từng ngày.” Câu trả lời của bé khiến tôi hiểu rõ hơn về việc tôi đã sai lầm như thế nào khi lo con mình đánh mất đi cảm xúc khi cứ đều đặn hoàn thành các công việc đã đặt ra. Con tôi đã biết tìm thấy niềm vui khi biết con đúng hướng, tìm được niềm vui khi hoàn thành dự định của mình. Niềm vui này có thể thầm lặng nhưng bền lâu hơn sự phấn khích khi bắt tay vào thực hiện công việc mới, trải nghiệm mới.
Đọc thêm:
Học hỏi từ phương pháp hoàn thành công việc của bạn lớn, tôi đã rút ra một số cách để giúp bạn bé có thể hoàn thành công việc mà bạn ấy đặt ra. Đó là:
Tìm niềm vui trong kết quả công việc
Khi bắt đầu vào công việc gì, bạn nên để bé xác định kết quả bé sẽ đạt được. Điều đó giúp bé xác định công việc được hoàn thành khi nào. Có thể chia mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ để bé có cảm giác đạt được thành tựu cụ thể trong công việc. Với mỗi công việc của bé, tôi thường cho con một bức tranh tô màu và chia bức tranh thành nhiều phần. Mỗi ngày khi hoàn thành khối lượng công việc của ngày hôm đó, bé sẽ tô màu vào một phần trong bức tranh.
Phân chia thời gian cho từng công việc
Tập cho con thói quen làm việc theo thời gian biểu. Ban đầu, tôi để bạn bé tùy hứng làm những công việc mà bạn thích không theo một thời gian biểu nào cả. Nhưng điều đó không tạo kết quả tốt, vì việc bạn ấy thích thì làm rất say mê lấn sang cả thời gian những việc đã hết hào hứng. Kết quả cuối cùng là việc gì cũng dở dang. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ bạn lớn, tôi nhận thấy rằng để ranh giới giữa thành công và không thành công chính là cách chiến đấu với sự buồn chán. Vì vậy tôi rèn cho con nguyên tắc: Đã xác định làm việc gì trong khoảng thời gian bao lâu là phải làm đến cùng và trong thời gian đó phải tập trung tối đa cho công việc đó.
Trong quá trình rèn cho con thói quen theo đuổi công việc đến cùng, cha mẹ cũng đang đồng hành cùng con, “đôi bạn cùng tiến” với con trong quá trình rèn luyện thói quen tốt này. Chúc các bố mẹ thành công!