Trẻ 2 tuổi có rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Nếu 1 tuổi bé vẫn ngây thơ, hay nũng nịu đòi bế, nếu 3 tuổi bé đã trưởng thành hơn rất nhiều thì 2 tuổi, bé là gì? Không còn là trẻ con chảy mũi, cũng chẳng là đứa trẻ lớn biết điều. Điều này khiến cho các mẹ nhất là những người làm mẹ lần đầu thật sự lúng túng khi không biết phải “cư xử” với bé thế nào cho phải?
Tâm sinh lý của trẻ 2 tuổi như thế nào?
Sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn. Tùy khả năng của mỗi đứa trẻ mà chúng có thể dùng ngôn ngữ nhiều hay ít. Có đứa trẻ mới chỉ nói được những từ riêng lẻ nhưng cũng có đứa trẻ 2 tuổi đã có thể giao tiếp ngắn với người lớn. Tuy nhiên, tất cả những đứa trẻ 2 tuổi đều muốn diễn đạt mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.
Muốn tự làm việc và quyết định thứ mình muốn. Khi 2 tuổi, trẻ rất muốn làm nhiều việc như tự đánh răng, tự quét nhà, tự leo trèo khắp nơi, tự đi giầy, tự xúc đồ ăn…Ngoài ra trẻ cũng có “quan điểm” hơn trong việc lựa chọn đồ ăn, đồ chơi, quần áo…Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ rất khó chịu khi bị người lớn “chỉ dạy” quá nhiều.
Trẻ hiểu được cảm xúc của người lớn. Những biểu hiện cảm xúc buồn, vui, tức giận…trên khuôn mặt người lớn đã có thể tác động đến trẻ 2 tuổi. Vì thế, cha mẹ nên thận trọng khi biểu hiện cảm xúc trước mặt con.
Đọc thêm: Phát triển tư duy cho trẻ 3-4 tuổi
Vậy giúp trẻ 2 tuổi lớn lên như thế nào?
Giai đoạn này được coi là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển của trẻ. Cha mẹ hiểu được tâm lý của con và giúp con lớn một cách tự nhiên sẽ là cách tốt nhất để con có những sự trưởng thành vượt bậc. Chìa khóa phát triển của trẻ là “Vận động – Ngôn ngữ”
Cho trẻ vận động càng nhiều càng tốt
Hãy cho trẻ đi bộ hết sức mình. Hãy để trẻ tự leo trèo những nơi trẻ muốn trong sự giám sát của người lớn. Trẻ có thể chạy nhảy trên mặt phẳng, hay leo trèo cầu thang, cầu trượt, trò chơi đá bóng, ném bóng… đều rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ tốt nhất
Cha mẹ hãy khuyến khích con nói ra mong muốn của mình và giao tiếp với trẻ càng nhiều càng tốt. Ngoài ngôn từ về đồ vật như “quả bóng, quả cam, quả táo…” thì bố mẹ có thể giúp con nói các từ về hành động như “ăn cơm, hát, đứng lên, rơi xuống, ngã rồi…”. Sau đó, hãy dạy trẻ ghép câu để thể hiện ý muốn như “Con muốn ăn cơm, con muốn chơi cá…”.
Ngoài ra, trong giai đoạn này bố mẹ cũng nên đọc thật nhiều truyện cho bé, có thể 5-10 cuốn mỗi ngày. Đó là những truyện tranh sinh động có một ít ngôn ngữ để trẻ thích thú hơn và dễ dàng hiểu nội dung câu truyện. Lời thoại trong truyện cũng nên thật gần gũi với tư duy của trẻ.
Để con tự làm những gì con muốn
Hãy để con tự đánh răng, tự gắp đồ ăn, tự cầm thìa hay thậm chí là tự quyết định những điều mình muốn. Việc này vừa giúp bé rèn luyện sự khéo léo lại mang lại niềm vui và rất tốt cho sự phát triển tư duy của bé sau này.
Đọc thêm: Làm thế nào để khơi gợi và phát hiện năng khiếu ở trẻ
Như vậy, cùng trẻ đi qua giai đoạn 2 tuổi thực sự là một trải nghiệm thú vị cho cha mẹ. Sự lo lắng thái quá và thiếu kiên nhẫn có thể khiến bạn thấy căng thẳng. Vì thế, khi đã hiểu con rồi, cha mẹ hãy đánh dấu vào ký ức tuổi thơ đầu tiên của con bằng những trải nghiệm thật tuyệt vời nhé.