“Nguyên tắc đồ ăn nhanh” khi trò chuyện với một người đang buồn bực đó là: Trước khi nói những gì bạn nghĩ, hãy nhắc lại những gì trẻ nói – bằng sự chân thành. Đây là nguyên tắc đã được Harvey và Paula, tác giả của các cuốn sách về trẻ em như “The happiest toddler on the block” và “The happiest baby on the block” chia sẻ, Bé tư duy xin được trích lại các bước thực hiện của nguyên tắc này.
Bước 1: Nhắc lại những gì bạn nghe được
Sự hối hả của các quán đồ ăn nhanh cũng giống như những hoạt động, thái độ thay đổi liên tục của trẻ nhỏ. Và điều mà các quán đồ ăn trên đường đã làm rất tốt đó là: “Nhận yêu cầu món ăn của khách một cách chính xác và dễ chịu”.
“Anh/chị muốn dùng gì ạ?”
“Vâng, một burger và khoai tây chiên. Anh/chị có cần sốt cà chua hay muối không ạ? Anh/chị có muốn dùng thêm đồ uống không ạ?”
Cô ấy hiểu rằng khi chưa chắc chắn về yêu cầu của khách thì cô ấy chưa làm tiếp điều gì. Với những tình huống trong thực tế như khi bạn đang buồn, bạn hy vọng người bạn sẽ lắng nghe và quan tâm tới câu chuyện của mình. Tất nhiên lời khuyên sẽ giúp ích nhiều cho bạn, nhưng đó rõ ràng không phải là điều chúng ta muốn được nghe đầu tiên. Những người biết cách động viên thực sự sẽ thể hiện rằng họ thấu hiểu cảm xúc của người kia trước khi bắt đầu khuyên nhủ. Họ không muốn như những người phục vụ thông báo số tiền khách phải trả – trước khi khách gọi đồ xong.
Có những trường hợp cần đưa ra thông điệp trước
Theo nguyên tắc đồ ăn nhanh, người nào mong muốn được quan tâm nhất sẽ là người được ưu tiên nói trước. Đối với trẻ em, trong hầu hết các trường hợp, đứa trẻ cảm thấy buồn bực đến nỗi bé cần chúng ta hiểu rõ điều chúng muốn truyền đạt trước khi nghe những điều ta muốn nói. Tuy nhiên, nếu trẻ có khuynh hướng bạo lực thì bạn cũng cần nói rõ thông điệp của bạn cho con trước. Trong trường hợp này, cảm giác của cha mẹ được ưu tiên.
Bước 2: Nhắc lại thông điệp của bạn một cách chân thành, với biểu hiện trên khuôn mặt, qua giọng nói và trái tim của bạn
Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng những điều chúng ta nói là nhân tố chủ chốt để có một cuộc nói chuyện thành công; tuy vậy điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, khi nói chuyện với một người đang buồn bực…những gì bạn nói ít quan trọng hơn rất nhiều so với cách bạn nói. Chỉ đơn thuần lặp lại những lời tâm sự của bạn với khuôn mặt và giọng nói vô cảm sẽ khiến người bạn cảm thấy tệ hơn dù bạn có lặp lại chính xác lời cô ấy đến thế nào.
Nguyên tắc này chỉ thực sự hiệu quả khi bạn dành sự quan tâm trọn vẹn cho người bạn đang buồn của mình và nhắc lại gần như chính xác không chỉ lời nói mà cả cách nói và cử chỉ của họ.
Thú thật, những điều mà Harvey và Paula đã đúc kết rất có ý nghĩa, không chỉ cho các bậc cha mẹ trong việc giúp con vượt qua những vấn đề cảm xúc mà còn có ích với người lớn khi cùng nhau đối diện với nhiều trở ngại của cuộc sống. Làm được điều này tưởng dễ nhưng lại không dễ chút nào, bởi chúng ta cần có một trái tim yêu thương và lòng kiên trì không mệt mỏi.
Mời cha mẹ cùng tìm hiểu thêm các bài viết của Bé tư duy tại đây.