Nếu như phần 1 “Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P1] Đúng thời điểm? Đúng cách?” Bé tư duy đã giúp cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh của trẻ thì phần 2 này, chúng tôi gửi tới cha mẹ những thông tin rất bổ ích về các loại năng khiếu của trẻ cũng như cung cấp thông tin giúp cha mẹ có thể phát hiện ra năng khiếu của con bằng sự quan tâm hàng ngày.
Việc phát triển năng khiếu bẩm sinh cho con từ nhỏ được ví như một đòn bẩy, một bước đệm rất lớn cho sự phát triển cho các bé sau này. Vậy làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng lực tiềm ẩn đó?
F.Balcon có câu nói rằng: “Năng khiếu bẩm sinh tựa như cây cảnh, cần được chăm sóc và cắt tỉa bằng học vấn”. Phát hiện đã khó, chăm sóc, “cắt tỉa” đúng cách còn khó hơn gấp nhiều lần.
Trước khi học cách phát hiện, khơi dậy năng khiếu cho bé, cha mẹ cần tìm hiểu những dạng năng khiếu phổ biến nhất ở trẻ. Đây là kiến thức nền cha mẹ nên biết để hỗ trợ con được tốt hơn.
Các dạng năng khiếu và cách biểu hiện ở trẻ
Theo học thuyết Đa trí thông minh (Theory of multiple) của Giáo sư Howard Gardner đã đề cập ở phần 1, thì mỗi trẻ sinh ra đều mang trong mình ít nhất một năng khiếu thiên bẩm thuộc một trong tám lĩnh vực cơ bản sau:
1. Ngôn ngữ/ lời nói
Trẻ có năng khiếu về ngôn ngữ thường biết nói từ rất sớm và sử dụng ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt và chuẩn xác, thường biểu hiện ở những bé có tư duy về ngôn ngữ mà chúng ta thường gọi đùa là “ông, bà cụ non”. Cha mẹ, người thân của trẻ thường rất ngạc nhiên trước những ngôn từ mà trẻ diễn tả thành lời: rất giàu sắc thái biểu đạt và cảm xúc.
Nếu được bồi dưỡng từ nhỏ, trẻ sẽ được mài dũa trở thành nhà văn, nhà báo, luật sư trong tương lai- những người có thể sử dụng khả năng ngôn ngữ của mình để thuyết phục người khác một cách hiệu quả nhất.
2. Toán học/ logic
Ở những trẻ có tư duy về toán học vượt trội, khi tiếp xúc với những con số, bé tỏ ra rất hứng thú. Những trò chơi, đồ chơi yêu thích của trẻ là những thứ liên quan đến lập luận, tư duy như tập đếm số, đếm con vật, sắp xếp đồ vật và thường bé tiếp thu rất nhanh, chơi nhiều lần không chán. Không có gì thu hút trẻ có tư duy toán học bằng những con số.
3. Hình ảnh/ không gian
Trẻ có khả năng hình dung về vật thể và mường tượng về không gian rất tốt, đặc biệt là trí nhớ dạng hình ảnh ở các bé rất nhanh nhạy. Trẻ bị cuốn hút trong không gian của trò chơi xếp hình, xếp bóng, mê cung, các trò chơi rèn luyện trí nhớ. Thông thường, những trẻ có năng khiếu về hình ảnh- không gian sẽ có thiên hướng về nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh.
4. Âm nhạc/ nhịp điệu
Để biết bé có năng khiếu về âm nhạc hay không, cha mẹ hãy bật nhạc lên và quan sát trạng thái cảm xúc của trẻ. Nếu có năng khiếu bẩm sinh, trẻ sẽ cực kỳ nhạy cảm với tiết tấu, nhịp điệu. Khả năng này có thể bộc lộ từ khi còn rất nhỏ, bé đã có thể hát rõ lời, đúng nốt, đúng nhịp điệu. Nếu được định hướng từ nhỏ, trẻ có thể trở thành ca sĩ hay những nhà soạn nhạc tài năng.
5. Vận động thể chất
Ít người biết rằng, khả năng vận động linh hoạt của trẻ cũng là một dạng năng khiếu thiên bẩm. Biểu hiện ở những trẻ này rất rõ ràng: bé tỏ ra hào hứng, sự thích thú đặc biệt với những trò chơi vận động, sử dụng nhiều đến các bộ phận trên cơ thể và sử dụng một cách khéo léo.
Ngược lại, những kiến thức phải “ngồi một chỗ” để tiếp thu sẽ khiến bé cực kỳ khó chịu, bứt rứt. Cha mẹ nên quan sát kỹ những biểu hiện của bé để đưa ra những kết luận đúng đắn, giúp định hướng và phát triển cho con.
6. Năng lực giao tiếp/ tương tác
Trẻ rất thích và rất giỏi khi được giao tiếp hoặc thuyết phục người khác, thường được khen là “khéo miệng, dẻo miệng”. Hãy quan sát con khi đưa con đến một câu lạc bộ mới, hoặc nơi đông người.
Nếu thấy bé rất hào hứng trong việc làm quen và trò chuyện với mọi người thì rất có thể bé có năng khiếu đặc biệt trong giao tiếp. Trên lý thuyết, đây là những trẻ có xu hướng “hướng ngoại”, rất năng động và giao tiếp giỏi, phù hợp với những công việc như diễn giả, nhà ngoại giao, nhà tâm lý học. Cha mẹ cần quan tâm để phát triển, bồi dưỡng cho bé.
7. Năng lực tự nhận thức bản thân
Ngược với nhóm trẻ hướng ngoại ở trên, những trẻ này thường phát triển rất tốt nếu được ở một mình, nghiên cứu một mình, có xu hướng “hướng nội”. Hãy quan sát những biểu hiện của con khi ở lớp, khi ở nhà. Con thích được chơi lắp ghép với các bạn hay loay hoay tìm hiểu một mình? Con có thích được một mình tìm tòi chơi trò ghép tranh trong phòng?
Nếu con có những biểu hiện trên, hãy cố gắng để con phát triển tự nhiên nhất, chỉ nên hướng dẫn, chỉ bảo chứ không nên bắt ép trẻ bất cứ điều gì. Bởi trẻ sở hữu dạng năng lực này sẽ làm chủ bản thân rất tốt, có cá tính và rất độc lập, mạnh mẽ.
8. Nhạy cảm với tự nhiên
Trẻ có thể cảm nhận môi trường xung quanh bằng những cảm quan rất nhạy bén. Bé thích thú được khám phá thiên nhiên, chăm sóc cây cối, vật nuôi trong nhà hay tìm hiểu về những thay đổi từ thiên nhiên như hiện tượng thời tiết và động vật bên ngoài, thường xuyên đặt câu hỏi và trò chuyện với chúng.
Nếu được định hướng và bồi dưỡng tốt, bé sẽ trở thành nhà sinh thái học, nhà tự nhiên học tài ba trong tương lai.
Cha mẹ cần làm gì để phát hiện và khơi dậy năng khiếu cho con?
Cách các cha mẹ ngày nay thường làm nhất đó là cho con tham gia các lớp năng khiếu càng nhiều càng tốt. Nguyên nhân được lý giải rằng đó là sự “trải nghiệm”, “cọ xát”. Điều này cũng có phần đúng bởi ngay cả chúng ta- những người trưởng thành đôi khi để đưa ra được lựa chọn đúng đắn thì vẫn cần phải có sự trải nghiệm, chiêm nghiệm nhất định.
Song thực tế thì việc tham gia các lớp năng khiếu nên là phương án cuối cùng của cha mẹ. Bởi có rất nhiều cách để phát hiện năng khiếu thiên bẩm cho con, thay vì để con tự “loay hoay” tiếp nhận quá nhiều thứ cùng một lúc có thể gây áp lực cho trẻ.
Cách đơn giản nhất, nhưng hiệu quả nhất giúp cha mẹ phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ đó là đồng hành cùng con. Năng khiếu là năng lực nội tại sẵn có trong trẻ, nhưng tồn tại ở dạng tiềm ẩn. Vì thế, muốn phát hiện đòi hỏi cha mẹ phải luôn bên con trong suốt quá trình phát triển, quan tâm và lưu ý đến từng cử chỉ, biểu hiện nhỏ nhặt nhất.
Plato- nhà triết học cổ đại Hy Lạp có câu nói rằng: “Đừng ép trẻ học bằng sự bắt buộc hay hà khắc mà hãy hướng trẻ học bằng điều thu hút tâm trí trẻ, để bạn có thể phát hiện tốt hơn năng khiếu đặc biệt của trẻ”.
Làm cách nào để tạo thu hút tâm trí trẻ, hướng con bộc lộ ra năng khiếu, sở thích một cách tự nhiên nhất?
Đầu tiên, hãy chơi đùa cùng con. Những dạng năng khiếu phổ biến nhất như âm nhạc, hội họa, toán học, văn học,… đều được mô phỏng dưới dạng đồ chơi mô hình rất nhiều. Cha mẹ có thể mua về để chơi cùng con dưới dạng trò chơi nhập vai, từ đó dễ dàng quan sát biểu hiện, cử chỉ của trẻ.
Bé có tỏ ra thích thú đặc biệt với trò chơi nào không? Đồ chơi mà bé chơi lâu nhất trong tất cả các đồ bé từng có là gì? Khả năng tư duy và nắm bắt của bé trong trò chơi đó nhanh nhạy đến đâu? Đó chính là cơ sở nền tảng nhất giúp cha mẹ nhận biết được năng khiếu bẩm sinh tiềm ẩn ở con.
Thỉnh thoảng, hãy đưa con đến những câu lạc bộ, cung thiếu nhi để con được tự do quan sát, chạy đến lớp học mà con yêu thích. Nếu có năng khiếu tiềm ẩn thì sự hào hứng, yêu thích của bé không những không bị giảm dần sau khi đã tiếp xúc, thỏa mãn trí tò mò mà còn tăng lên theo cấp số nhân.
Có thể hiểu đơn giản, bản tính của trẻ nhỏ là tò mò, thích khám phá cái mới. Khi đưa trẻ đến câu lạc bộ vẽ, lẽ tất nhiên trẻ sẽ rất hào hứng tìm hiểu, có thể ngồi vẽ rất hăng say. Song nếu không có năng khiếu, không đặc biệt yêu thích, trẻ chỉ ngồi một lúc sẽ thấy chán và tìm đến trò chơi mới.
Nhưng với trẻ có năng khiếu trong lĩnh vực hội họa, bé sẽ ngồi rất lâu và không đòi về. Nhiều bé sẽ muốn cha mẹ mua ngay một bộ cọ vẽ giống như ở câu lạc bộ, về nhà sẽ kể đi kể lại rất nhiều lần, miêu tả cho cha mẹ nghe con đã vẽ những gì ở lớp với biểu cảm thích thú, hào hứng ra sao… Cha mẹ cần ghi nhớ tất cả những biểu hiện của con để từ đó có định hướng phù hợp nhất cho bé.
Trong phần 2 này, Bé tư duy đã giúp cha mẹ tìm hiểu các dạng năng khiếu và các cách hữu ích để phát hiện và khơi dậy năng khiếu ở con. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ quá nôn nóng hỗ trợ, bồi dưỡng cho con sai cách có thể khiến tài năng của trẻ bị thui chột. Vậy thế nào là làm đúng, thế nào là làm sai cách? Cách xử lý ra sao? Mời cha mẹ cùng theo dõi tiếp phần 3.
Mời cha mẹ đọc đầy đủ 3 phần của nội dung khơi dậy năng khiếu bẩm sinh cho trẻ ở đây:
Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P1] Đúng thời điểm? Đúng cách?
Làm thế nào để phát hiện và khơi dậy năng khiếu bẩm sinh ở trẻ? [P3] Những sai lầm thường gặp