Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt đã đặt ra vẫn đề muôn thuở với các vị phụ huynh, đó là giáo dục con cái. Là một trong số ít những cuốn sách được đánh giá cao về giáo dục gia đình, Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt gồm bảy chương với các chủ đề khác nhau, theo trẻ trừ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Book Description
Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt đưa ra nhiều quan điểm mà các bậc cha mẹ phải lưu ý khi dạy trẻ bởi có thể đối với người lớn, đó là vấn đề rất nhỏ nhặt nhưng với con trẻ lại là chuyện lớn. Cuốn sách phân tích và nhận xét toàn diện quanh việc giáo dục con cái như điểm số, học hành, giải trí, khen, phạt,… Những kinh nghiệm trong sách được tác giả đúc rút bằng chính trải nghiệm của bản thân mình qua việc dạy dỗ con cái.
Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt đánh giá rất cao vai trò của giáo dục gia đình trong việc định hình nhân cách những đứa trẻ. Và tất nhiên, không thể thiếu trong mọi phương pháp dạy trẻ, Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt có nền tảng bằng tình yêu thương của người mẹ dành cho con.
Cuốn sách Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt là một cuốn sổ tay về cách nuôi dạy con của nhà giáo, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi. Chị đã tổng kết kinh nghiệm gần hai mươi năm nuôi dạy con, đồng thời kết hợp với một nền tảng lí thuyết vững chắc và kinh nghiệm thực tế có được trong quá trình trực tiếp dạy học cũng như tiếp xúc với khá nhiều trẻ em, từ đó đúc rút ra được những bài học quý báu trong cuốn sách này.
Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt đề cập đến rất nhiều vấn đề lớn nhỏ trong quá trình nuôi dạy con cái, nhưng tựu chung lại có thể gói gọn thành hai vế: đó là nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của con trẻ. Tác giả không viết về những thứ quá vĩ mô và trừu tượng mà ngược lại, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của trẻ từ những điều đơn giản nhất, như chính tác giả đã viết “Với trẻ em không có chuyện nhỏ, mọi chuyện nhỏ đối với trẻ đều là chuyện lớn”.
Cuốn sách được trình bày dưới dạng những bài viết nhỏ, mỗi bài viết đề cập đến một vấn đề trong quá trình nuôi dạy con cái mà hầu hết các bậc phụ huynh đều gặp phải như làm thế nào để trẻ không sợ tiêm, trả lời thế nào khi trẻ hỏi em bé từ đâu đến, làm thế nào khi con trẻ nói dối, tạo lập những phẩm chất tính cách tốt đẹp cho con trẻ… đến những vấn đề trong học tập như dạy con biết chữ, làm toán, viết văn… Những bài viết này rất chân thực, gần gũi, dễ hiểu, không đi vào lối mòn sáo rỗng và nặng về lí thuyết, rất dễ dàng cho các bậc phụ huynh đọc và ứng dụng.
Ngoài ra, trong cuốn sách này, thạc sĩ Doãn Kiến Lợi cũng đề cập đến một số vấn đề bất cập trong hệ thống giáo dục Trung Quốc và các đối sách cần có của các bậc phụ huynh. Hệ thống giáo dục của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hệ thống giáo dục của Trung Quốc, vì vậy bạn đọc cũng có thể tham khảo và tự tìm ra cho mình những cách giải quyết riêng.
Tác giả cuốn sách là một nhà giáo, một chuyên gia giáo dục có nhiều năm làm công tác giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình, nhưng trên hết chị còn là một người mẹ. Vì vậy, trong cuốn sách này, ngoài những quan niệm giáo dục độc đáo đầy trí tuệ, người đọc còn có thể bắt gặp tình yêu con sâu sắc ngập tràn trong từng trang viết của chị. Tác giả quan niệm: Các bậc phụ huynh cần đứng trên góc độ của con trẻ để nhìn nhận vấn đề, đừng bắt ép con trẻ sống theo lối sống mà người lớn áp đặt cho chúng. Bởi vì “trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp tự nhiên sẽ phát triển (Trích “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”). Đây thực sự là một quan niệm giáo dục độc đáo và đầy tiến bộ, rất đáng cho chúng ta nghiên cứu và học hỏi.
Cuốn sách phù hợp cho những người làm công tác giáo dục, quan tâm đến giáo dục và những người sắp làm cha, làm mẹ cũng như các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi thiếu nhi đến độ tuổi mười bảy, mười tám.
Trở về trang chính Thư viện Bé tư duy. |
Trở về Tủ sách Cộng đồng |
Trở về Tủ sách Betuduy |