Thằng bé hư – Kẹp hạt dẻ

Sách được đóng góp bởi cộng đồng để dành cho cộng đồng mượn về miễn phí.

Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách để mượn sách miễn phí.

Số trang: 250

Giá bìa: 135.000

Book Description

Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết THẰNG BÉ HƯ (The Story of a Bad Boy – 1870) của Thomas Bailey Aldrich.

Thomas Bailey Aldrich (1836 – 1907) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và biên tập người Mĩ. Ông nổi tiếng là một biên tập kì cựu, đã từng góp phần vào thành công của các tòa soạn và nhà xuất bản, nhiều năm giữ vị trí thiết yếu cho tờ Atlantic Monthly – tạp chí văn chương uy tín nhất thời kì đó.

Trong lĩnh vực sáng tác, Aldrich cũng bộc lộ một khả năng thiên bẩm. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và tiểu thuyết, và ở cả hai thể loại này, ông đều có những đóng góp nhất định trong việc hình thành, thậm chí là định hướng trào lưu văn chương đương thời.

The Story of a Bad Boy là cuốn tiểu thuyết bán tự truyện nổi tiếng của Aldrich, cũng là tác phẩm đã đưa ông đến với danh xưng Cha đẻ của mảng truyện Bad Boy trong văn học Mĩ thế kỉ XIX.

Trong bối cảnh thời đại, The Story of a Bad Boy đã đặt nền móng cho dòng văn học phiêu lưu viễn thám và nhật kí trường học. Ở mảng phiêu lưu viễn thám, nó có ảnh hưởng lớn tới hai tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huck Finn, mà nói như Hemingway, thì toàn bộ nền văn chương hiện đại Mĩ đều bắt nguồn từ đó. Sáu năm sau khi cuốn tự truyện của Aldrich trình làng, Mark Twain đã cho ra đời một cậu bé nữa cũng có tên là Tom, và với những lát cắt mà ông đã tự nhận là bị chi phối từ Aldrich.

Ở mảng nhật kí trường học, từ sau tác phẩm của Aldrich, hàng loạt các tiểu thuyết hiện thực thiếu nhi đã ra đời, như Being a Boy của Charles Dudley Warner, A Boy’s Town của William Dean Howells, Toby Tyler của James Otis Kaler, Boy Life on the Prairie của Hamlin Garland… Susan Goodman[1] cũng đã so sánh The Story of a Bad Boy với Những ngày đi học của Tom Brown (Tom Brown’s School Days – Thomas Hughes), và thấy rằng giữa cuốn tự truyện của Aldrich và thiên tiểu thuyết kinh điển của Hughes – hình mẫu cho series truyện giả tưởng Harry Potter[2] – có chung nền tảng và rất nhiều điểm tương đồng. Đó là câu chuyện của những cậu trai nghịch ngợm nhưng can trường,     mạnh mẽ và mang sẵn trái tim ẩn giấu yêu thương.

The Story of a Bad Boy là hồi ức về quãng đời ấu thơ của Aldrich ở thị trấn cảng Portsmouth, miền Bắc nước Mĩ. Tom Bailey – Aldrich tự gọi mình như thế – một cậu ấm New Orleans, vì chuyện làm ăn không thuận lợi của gia đình, đã phải về quê sống cùng ông nội. Vùng quê nội New England vốn là một nỗi sợ hãi mơ hồ trong tâm trí cậu trai hàng phố, với những định kiến về một miền Bắc xấu xí, thô lậu, vụng về. Nhưng rốt cục lại, vùng quê nghèo nàn cổ lỗ ấy có gì, khiến một cậu trống choai không chỉ ghi nhớ trong tâm khảm, mà còn luôn đau đáu một ước vọng trở về?

Rivermouth được lấy nguyên mẫu từ thành phố cảng Portsmouth quê nội của tác giả, cũng là nơi Aldrich được sinh ra và phải rời xa khi vẫn còn ẵm ngửa. Đối với Tom Bailey, đó là nơi xinh đẹp và bình yên nhất thế giới, với những con phố dài rợp bóng cây du. Đây đó, vài rặng du đan quện nhau, bện thành những mái vòm duyên dáng chăng ngang con đường lụa. (…) Nhà cửa ở đây hiền hòa, ống khói và mái hiên thanh nhã, một mảnh vườn nhỏ trước nhà rực rỡ vài khóm cúc đại đóa. Thị trấn men theo bờ sông êm đềm, uốn lượn quanh các đảo nhỏ… Tất cả những điều giản dị ở một thị trấn thanh bình đó, đã mang đến cho Tom một quãng đời tuổi thơ hồn nhiên và rực rỡ vô cùng.

Nơi chốn luôn là một yếu tố quan trọng trong văn chương thiếu nhi. Việc tạo dựng một cảnh quan sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân vật, có thể giúp cho nhân vật giải phóng trí tưởng tượng, hoặc ngược lại.      Nơi chốn còn là chỗ để tác giả kí thác những tâm sự và cất giấu những dụng ý nghệ thuật. Aldrich không phải dụng công để vượt qua được bước đường khó khăn này, khi sử dụng chính làng quê của mình làm không gian cho câu chuyện kí ức. Lựa chọn vừa khôn ngoan vừa ngây thơ này của tác giả, đã tạo một cảm giác thân quen đối với người đọc, bất kể lứa tuổi hay biên giới, bất chấp sự ăn mòn tàn phá của thời gian.

Trong thị trấn Rivermouth, các tiểu-không-gian luôn được mô tả hết sức cụ thể, là những nơi chốn điển hình trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là trong quãng đời ấu thơ của một đứa trẻ. Ở đó có cầu cảng cũ nát, bờ sông ngút ngàn cỏ dại vùi che mấy khẩu pháo cũ – thứ vũ khí đồng nát luôn thu hút bất kì đứa trẻ trai nào. Ở đó có quảng trường rộng lớn và phóng khoáng, đủ sức chứa đựng những kế hoạch động trời. Căn gác xép hiếu kì, gian nhà kho bí mật như là căn cứ địa nơi lũ trẻ trai tụ nhau “bàn đại sự”. Ngọn đồi Sinh Tử đã chứng kiến trận pháo tuyết kì phùng địch thủ giữa hai vùng Nam-Bắc. Ngôi trường nhỏ bé có ông thầy cáo già yêu trẻ hết mực, hòn đảo hoang sơ ghi dấu một kỉ niệm chẳng thể nào quên… Mỗi căn nhà, góc phố, bãi cỏ, bờ sông, dưới ngòi bút của Aldrich, đều sống động như có hơi thở và ngọt ngào tựa những giấc mơ:

…Tôi sẽ nói kĩ hơn về gian gác xép áp mái. Bất luận thế nào, nó cũng là một bảo tàng bí ẩn. Mọi thứ dù cũ nát, nhưng cũng khá tương đồng và duyên dáng, ngay cả ở cái cách chúng hỏng. Này nhé, một cái ghế gãy đang dựa ngả ngốn vào thành bàn ọp ẹp, một cái mũ rách tả tơi hờ hững chụp lên cái ủng há mõm tiều tụy. Sàn gác vương vãi mấy cây ba-toong nứt toác, kiệt sức sau cả cuộc đời bị khối thịt người dựa dẫm vào… Đống đồng nát đó dường như đều ngẫu nhiên hẹn hò nhau ở căn áp mái này, chình ình ra đây, thản nhiên chiếm mất chỗ ngồi đọc “Gulliver du kí”, “Rinaldo Rinaldini du kí”, hay có khi chỉ là những khoảnh khắc quý báu trầm mặc lắng mưa rơi…

Aldrich hài hước và vô cùng dí dỏm. Mark Twain, bậc thầy về châm biếm, đã luôn ngưỡng mộ chất dí dỏm của người bạn mình. Cuộc sống qua con mắt Tom, dù có vui vẻ hay đau buồn thì cũng luôn ẩn chứa nét trào lộng. Trên hải trình đầy lo lắng và uất ức khi bị buộc phải về sống ở Rivermouth, Tom vẫn nhận thấy con tàu Cơn Bão mà cậu đang đi “chỉ tốc hành trên mặt báo quảng cáo”, “mất gần hai ngày để vượt một hải trình chỉ cần tới bảy tiếng”, và “mạnh mẽ” đến độ ngay lập tức bị dập vùi trong một cơn bão biển hạng xoàng. Mỗi bước đi của Tom, người đọc lại dấn sâu hơn một chút vào quê nội của cậu, được gặp mặt người ông nội thuyền trưởng luôn đọc báo như một người biên tập lí tưởng, bà Abigail với niềm tin vào dầu gió chữa bách bệnh, cô giúp việc tha hương Kitty có dòng dõi hoàng thân quốc thích…, hệt như được “sống” trong ngôi nhà Nutter kì cục, với giấy dán tường có đàn chim đậu mùa vàng đỏ “chẳng liên quan gì đến đức độ tổ tông”:

…Nhưng hỡi ôi, phòng của tôi cũng không thể tránh khỏi thảm họa giấy dán tường. Thử hình dung mà xem, giữa nền giấy xám xịt có một chùm lá nhỏ (xin mở ngoặc là nó chẳng hề giống bất cứ chùm lá nào trên thế gian). Và trên mỗi chùm lá kì dị đó, đều có một con chim màu vàng có đốm đỏ thẫm, hệt như con bệnh vừa sống sót qua dịch đậu mùa. Tôi dám chắc, ngay cả trong trí tưởng tượng cũng chẳng thể có ai yêu nổi một con chim tương tự. Trong một lần nằm ngửa, tôi đã ngước cặp mắt đen láy xinh đẹp của mình, đếm được cả thảy hai trăm sáu mươi tám con bệnh đậu mùa, mĩ danh là con chim vàng đốm đỏ. Ấy là chưa kể những con bị cắt làm đôi, bị dán rối tại mép giấy. Hôm đó, vừa đếm xong thì tôi lăn ra ngủ luôn, và mơ thấy cả đàn chim bệnh gớm ghiếc chen nhau biến sạch qua cửa sổ. Cũng kể từ lần ấy, tôi không còn dám xem thường những hoa văn giấy dán tường là vô tri, buồn tẻ nữa…

Nhưng Aldrich không chỉ có hài hước. Người ta còn thấy trong câu chuyện này nỗi nhớ thương day dứt về một quá vãng trong trẻo đã rời xa, được kể bằng tâm hồn của một nhà thơ vẫn còn nguyên hơi hướng, với một ngòi bút đậm chất thơ. Văn chương của Aldrich khá nhất quán với thơ ca của ông, vừa lãng mạn dịu dàng nhưng vẫn thấm đẫm hơi thở của cuộc sống. Nó không chỉ gợi ra vẻ đẹp, mà còn nuôi dưỡng được vẻ đẹp đó trong lòng người tiếp nhận. Đó cũng là điều mà sinh thời Mark Twain đặc biệt quý trọng ở Aldrich, từng coi mỗi lời Aldrich nói ra đều rực rỡ như ánh kim cương: “Tôi quen Aldrich đã 40 năm. Anh ấy là một trong những người đàn ông sáng giá nhất mà tôi từng biết đến”.

The Story of a Bad Boy chưa bao giờ là câu chuyện để kể lại. Nó luôn là câu chuyện mà người ta nên đọc, dù ở bất kì lứa tuổi nào!

(Nguồn: Kẹp hạt dẻ)

———————– Đăng ký mượn sách —————————–

Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách để mượn sách miễn phí. Hướng dẫn mượn sách miễn phí:

  1. Liên hệ với Bé tư duy để Đăng ký tham gia dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách.
  2. Chọn sách với tình trạng “Có sẵn” trong “Danh mục sách của dự án Lan tỏa tình yêu đọc sách”.
  3. Gửi tin nhắn/email/gọi điện tới Bé tư duy theo thông tin phía dưới để mượn sách.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm sách của Bé tư duy tại đây.

Tìm hiểu thêm thông tin bằng cách liên hệ với Bé tư duy:

  1. Gửi email: betuduy@gmail.com
  2. Fanpage: Bé tư duy
  3. Điện thoại: 0944 122 255