6 bí quyết giúp trẻ nhiệt tình tham gia các hoạt động trong cuộc sống

Đối với trẻ em, một trong những cách có tác động tích cực đến tính cách và quá trình tư duy của trẻ chính là hướng trẻ đến những hoạt động thực tế.

Tuy nhiên, có đôi lúc một vài hoạt động nào đó mà cha mẹ cho là hay, là có ý nghĩa, quan trọng thì trẻ lại không thích và không làm theo. Vậy khuyến khích trẻ thử một hoạt động nào đó bằng cách nào?

 

1. Tìm hiểu nguyên nhân trẻ không thích hoạt động đó

 

Trước khi cằn nhằn vì trẻ miễn cưỡng làm theo lời của mình, bố mẹ hãy đánh giá từ nhiều góc độ. Bạn nên biết nguyên nhân vì sao con không thích một hoạt động nào đó mà bạn cho là có ích. Có thể do trẻ chưa hiểu hết những lợi ích của hoạt động đó, trẻ chưa sẵn sàng, trẻ còn buồn ngủ,… Nếu biết nguyên nhân, bạn có thể tìm cách giải quyết thích hợp để trẻ cảm thấy yêu thích và sẵn sàng hơn.

2. Giúp trẻ có tư duy tích cực và luôn cảm thấy được yêu thương

Để làm được điều này, cha mẹ cũng nên có tư duy tích cực trong cuộc sống của chính mình. Đồng thời bạn nên dùng lời lẽ tích cực (động viên, khuyến khích, nói lên điểm mạnh/điểm yếu của trẻ thay vì chê bai,  cho trẻ biết các hình mẫu tốt đẹp/giỏi giang để trẻ phấn đấu noi theo, dứt khoát không được so sánh trẻ…). Đây chính là bước chuẩn bị tâm lý mang tính dài hạn vô cùng quan trọng giúp trẻ luôn lạc quan, tự tin vào bản thân mình và không ngại những thử thách trong cuộc sống.

Đọc thêm: Tư duy phản biện và tư duy chủ động: Hai tư duy vàng thúc đẩy quá trình tư duy bậc cao ở trẻ.

3. Khuyến khích bằng cách treo thưởng

Khuyến khích bằng cách treo thưởng là một trong những biện pháp kích thích trẻ rất nhiều mang tính ngắn hạn. Bố mẹ nên khuyến khích con như: “Làm xong bài tập, con sẽ được mua cuốn sách mà con yêu thích” hay “Con thử tham gia hoạt động ở trường xem, con sẽ được ăn bánh ngọt”…

Dù có tác dụng tức thời nhưng bạn chỉ xem đây là một biện pháp ngắn hạn và chỉ nên thỉnh thoảng thực hiện kết hợp với bước 2. Bởi vì, theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu lạm dụng việc treo phẩn thưởng thì khi trẻ không được phần thưởng, trẻ sẽ khó có hứng thú với những việc mình sẽ làm. Điều này rất thường xuyên xảy ra với những việc mà trẻ yêu thích khi trẻ đã quen có phần thưởng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên treo thưởng cho những hành động tốt của bé. Đồng thời hãy làm cho bé cảm thấy hứng thú với những việc mình làm chứ không phải chỉ đơn giản là vì phần thưởng.

Đặc biệt, phần thưởng không nên cứng nhắc chỉ là phần thưởng vật chất và không nên chỉ khi trẻ có kết quả tốt mới thưởng mà hãy thưởng kết hợp với khen ngợi ngay khi nhìn thấy nỗ lực của trẻ.

Đọc thêm: Hai mặt của phần thưởng trong giáo dục trẻ.

(Nguồn ảnh: Internet)

4. Trò chuyện với trẻ nhiều hơn

Một trong những cách hay để khuyến khích trẻ làm theo là ngồi xuống và trò chuyện với trẻ. Nếu trẻ tò mò, thích khám phá những thứ mới mẻ và có những ý tưởng hay, bạn hãy khơi gợi vấn đề này trong cuộc trò chuyện với trẻ. Bạn hãy cố gắng giải thích những thắc mắc của trẻ. Đôi khi có một vài thắc mắc ở trẻ sẽ khiến bạn bối rối, không biết cách trả lời. Lúc này, bạn hãy hẹn con là sẽ trả lời sau vì cần tìm hiểu thêm. Tùy hoàn cảnh cụ thể, bạn cũng có thể dùng điện thoại lên Google để cùng trẻ tìm ra câu trả lời. Bạn không nên nói những cụm từ như “con phải”, “con nên” hay “tại sao con không làm như thế”,… khi nói chuyện với trẻ nhé!

Đọc thêm: 3 bước giúp con xây dựng thói quen tự học.

5. Hướng dẫn trẻ cách đặt mục tiêu

Bạn hãy dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu khi thực hiện một hành động nào đó. Đây là một phương pháp tốt có tác dụng tạo động lực cho trẻ học tập hoặc làm bất cứ điều gì mà trẻ yêu thích. Ví dụ, nếu trẻ thích vẽ tranh, bạn hãy để cho bé vẽ và bảo bé cố gắng vẽ đẹp nhất trong khả năng của mình. Mẹo nhỏ: Để giúp trẻ đạt được mục tiêu đã đề ra, bạn hãy hướng dẫn trẻ ghi danh sách các mục tiêu ngắn hạn vào sổ tay và đánh dấu những mục tiêu đã hoàn thành.

6. Tham gia cùng với trẻ

Việc bố mẹ tham gia các hoạt động cùng với trẻ sẽ giúp trẻ có tinh thần hưng phấn hơn. Bên cạnh đó, bạn hãy giải thích cho trẻ biết những lợi ích của hoạt động đó chẳng hạn như chơi thể thao sẽ giúp ích cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ hiện tại và trong tương lai, giúp trẻ thông minh hơn, khỏe mạnh hơn.

Khuyến khích trẻ thử một hoạt động nào đó không đơn giản nhưng cũng không quá khó. Vì vậy, bố mẹ nên thấu hiểu cho mức độ tư duy của trẻ để từ đó có những phương pháp thích hợp nhằm tạo sự hứng thú và khuyến khích trẻ thực hiện tốt hơn và hăng say hơn, bạn nhé!

Các bài viết được quan tâm:

4 kỹ năng mềm cần thiết cho trẻ mầm non – Học từ doanh nhân nhí Bảo Ngọc.
9 loại trí thông minh của trẻ.

 

Leave a Reply