Ở trẻ em, có hai khái niệm, hai trường phái cá tính rất dễ nhập nhằng và gây nhầm lẫn, đó chính là ích kỷ và cái tôi.
1. Khái niệm về ích kỷ và cái tôi
Ích kỷ là một tính cách không tốt, tiêu cực của con người nhưng hầu hết mọi người chúng ta đều mắc phải từ ít đến nhiều. Sự ích kỷ chính là một tư tưởng thích vay mượn hoặc sử dụng hay nhờ vả vào vật chất, công sức của người khác nhưng khi có cơ hội thì lại không giúp đỡ ân nhân của mình bằng chính những gì mình đang có, nếu có thì bản thân cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Hay nói cách khác, ich kỉ là biểu hiện của một cá nhân đặt lợi ích bản thân cao hơn lợi ích của tập thể và những người xung quanh.
Trong triết học, “cái tôi” được khái quát là cái tôi ý thức hay giản đơn là “tôi”, bao hàm trong đó những đặc điểm nhằm phân biệt “tôi” với những “cá nhân khác”. Theo nhà tâm lý học Freud, “cái tôi” cùng với “nó” với “cái siêu tôi” (superego) là ba miền của tâm thức. “Cái tôi” của mỗi người được hình thành ngay từ khi con người được sinh ra và thông qua quá trình tiếp xúc với thế giới xung quanh.
Đọc thêm: 4 điều cần dạy trẻ để kiềm chế sự ích kỷ.
2. Phân biệt giữa ích kỷ và cái tôi ở trẻ
“Cái tôi” trong mỗi người sẽ phát triển một cách tự nhiên theo thời gian. Một đứa trẻ sẽ ít cảm thấy tự ái như người lớn. Khi bị trách mắng, trẻ em sẽ mau quên, trong khi người lớn lại nhớ rất lâu và có những phản ứng mạnh khi bị người khác động chạm đến lòng tự ái của mình.
Nhìn chung, trẻ từ 2 tuổi trở đi đã bắt đầu có kỹ năng quan sát và bắt chước những việc người lớn thường làm. Bé tự mình cầm muỗng, tự múc cơm ăn, tự tắm rửa, đánh răng, vệ sinh giày dép,… Những hành động đó cho thấy bé đang muốn chứng tỏ bản thân, chứng tỏ cái tôi, muốn cha mẹ biết rằng mình đã lớn, có thể tự lập làm được nhiều thứ.
Đọc thêm: Bạn nghĩ thế nào là giáo dục thành công một đứa trẻ.
Trong khi trẻ ích kỷ là những trẻ có xu hướng muốn được trở thành trung tâm của sự ưu tiên trong gia đình, như việc luôn muốn được cha mẹ vỗ về, cưng chiều. Trẻ lớn hơn thường thích sở hữu những đồ vật riêng và không muốn người khác mượn hoặc động vào. Đặc biệt, những trẻ thích được nuông chiều sẽ có thói quen vòi vĩnh, ăn vạ khi không được đáp ứng nhu cầu của mình ngay tức khắc,…
Một điểm khác biệt nữa giữa ích kỷ và cái tôi ở trẻ em đó chính là sự chia sẻ. Trẻ ích kỷ thường muốn giành lấy những thứ tốt đẹp cho riêng mình như tình thương của cha mẹ, đồ chơi, món ăn ngon,… và không muốn chia sẻ với những anh chị em trong gia đình. Trong khi trẻ thể hiện cái tôi là muốn chứng tỏ bản lĩnh của chính mình, muốn tự mình làm những việc trong khả năng. Tuy nhiên, trẻ vẫn chia sẻ món ngon, đồ chơi với anh chị em trong gia đình.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc nhất là những bậc phụ huynh sẽ phân biệt được ích kỷ và cái tôi ở trẻ em. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà bạn hãy giúp trẻ phát huy cái tôi tích cực hoặc hạn chế sự ích kỷ tiêu cực, góp phần vào sự phát triển hoàn thiện tư duy của trẻ mai này.
Bài viết cùng chủ đề: Khám phá tư duy của trẻ.