Học ông bà xưa cách “học nghèo mà vẫn giỏi””

TẠO MÔI TRƯỜNG CÂN BẰNG CHO CON TRẺ VÀ CHO CHÍNH MÌNH

Hôm rồi, hai bạn chủ trường ở Vĩnh Phúc hỏi tôi. “Chị ơi chỗ em quê thu học phí 500.000 em không biết mua gì cho các con chơi chị ạ.”
Tôi hỏi lại “Ngày xưa em lớn lên với cái gì?”
Các bạn mới “À.” lên sung sướng.

Bạn không cần giàu, hay rất giàu để mua đồ chơi cho con, tôi chắc đó là một tin vui cho các gia đình trên toàn thế giới này, bạn chỉ cần dùng cái đầu của mình để chọn đồ chơi đúng độ tuổi cho con mà thôi.

Con bạn mấy tuổi?
Con đã có những kỹ năng gì?
Bạn muốn con rèn được kỹ năng gì?
Món đồ chơi đó con bạn có tự chơi được một mình không?
Món đồ chơi đó con bạn có quản lý được toàn bộ các mẩu không?
Món đồ chơi đó con bạn có tự cất được lên giá không?
Món đồ chơi đó mang tính giáo dục không?
Con mình chơi được bao lâu?

Món đồ chơi đó có an toàn cho bé không? Trọng lượng – Nếu đổ, rơi xuống chân có làm vỡ xương con không? Kích cỡ – Nếu đổ lên con, con có đẩy ra để thở được không? Có nhỏ quá con cho vào mồm sẽ hóc không? Màu sắc có an toàn thị giác qúa tối, quá chói làm con luôn căng thẳng không? Âm thanh có an toàn cho thính giác của con không hay thần kinh con sẽ luôn tưng tưng do bị kích thích như người lớn vào vũ trường vậy? Sơn có an toàn với trẻ em hay không? Nhựa có phải là nhựa tái chế làm từ rác thải hay không? Món đồ chơi đó có thành phần làm con dị ứng không? Món đồ chơi đó có dễ dàng cho vào máy giặt không? Món đồ chơi đó có dễ dàng tiệt trùng hàng ngày không?

Sau khi bạn trả lời tất cả các câu hỏi trên, tôi chắc bạn sẽ muốn vứt gần hết những món đồ làm con mình bị nguy hiểm đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần lâu nay chúng ta mua theo thói quen, hay được cho, được tặng chất đầy khắp mọi nơi vì đơn giản là Việt Nam có rất ít đồ chơi đáp ứng các yêu cầu cho trẻ 0-6.

Có bạn sẽ bảo đồ nay em mua xách tay về mà. Mỹ dùng, Nhật dùng thì con em cũng dùng chứ. Hãy nói điều đó với các bạn làm marketing chuyên nghiệp. Có hẳn nghề bảo bạn phải mua gì mà, bạn mua càng nhiều lương họ càng cao, dù là ở nước nào.

trò quê

(Ảnh Internet)

Trẻ con ngày xưa, chúng ta thời xưa lớn lên với KIM – MỘC – THỦY – HỎA – THỔ nên cân bằng âm dương hơn trẻ con bây giờ suốt ngày chạm vào đồ nhựa và lớn lên trong lồng kính. Các em bé hoặc âm quá, hoặc dương quá, số em bé cân bằng rất ít do chúng ta coi thường kiến thức ông cha ta để lại.

Kim là xoong, chảo, nổi, niêu, dao, dĩa inox, ống bơ, đồ chơi inox, chân bàn chân ghế cho tí inox, xe scooter, xe đạp, các cụ nhà giàu còn có mâm đồng, thau đồng, ấm tích bịt bạc, đũa bịt bạc, sắt, kẽm trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.

Mộc là đồ chơi bằng gỗ, tre, nứa, đũa, chõng tre, ghế mây, quạt nan, chuông gió tre, gáo dừa, sàn gỗ thật, giá gỗ thật, khay gỗ thật, cửa các loại gỗ thật, cây trong vườn, là túi cói, nón lá, quần áo cotton hay sợi tre, giấy ăn làm từ tre. Các bạn cứ nhìn một nhà của Pháp xây thời xưa là biết.

Thủy là các bồn rửa tay thấp để trẻ tự làm, là nước trong lọ hoa trên bàn, nước trong bể cá, nước tưới cây ngoài vườn, nước hồ trước mặt, giờ chơi nước, giờ tắm, tắm mưa, lội nước, bơi biển, ăn canh, uống nước đủ vào cơ thể mỗi ngày, hơi nước trong không khí sớm mai và chiều muộn. 

Hỏa là khi em bé được tắm nắng hàng ngày trong lịch sinh hoạt, được nấu cơm cạnh mẹ, được đốt nến, được tự tay bê bát ăn cảm nhận sức nóng, được BBQ, được làm ra lửa như tụi nhóc ở quê, được bố mẹ ôm ấp truyền hơi ấm mỗi ngày, hỏa trong hơi nóng thức ăn tiêu, ớt, gừng, sả….

Thổ là khi nhà luôn có vườn để chân luôn chạm đất, như thần thoại Hy Lạp, gót chân Asin chạm xuống đất mẹ là lại được tiếp thêm sức mạnh. Văn hóa Việt gọi là quê cha đất mẹ. Tây hay ta đều dậy con người coi trọng ĐẤT. Mọi thứ ngọt lành chúng ta ăn đều lấy từ đất mà ra, đừng bao giờ dậy con trẻ đất là bẩn. Các em bé ở quê đầu đội trời, chân đạp đất hàng ngày nên cân bằng âm dương không ốm mà khỏe mạnh hiền hòa. Trẻ con được chơi với đất sét, cát, chạm tay vào bát, đĩa, bình, chum, vại, lọ gốm, sứ. Ăn cơm bằng đồ sành sứ gốm …

KIM – MỘC – THỦY – HỎA – THỔ cũng hiện diện trong tất cả các màu sắc, màu nóng, màu lạnh bạn cho vào môi trường bao gồm sơn tường nhà, màu quần áo bạn mặc lên người và lên con, màu sắc đồ trang trí, màu sắc ga gối trên giường, màu đồ dùng đồ chơi của con.

Đọc thêm: 9 câu nói thường ngày của cha mẹ có tác dụng khích lệ trẻ.

Và giờ tôi chắc sau khi bạn đọc xong bạn đã biết bí quyết chọn đồ chơi cho con rồi đúng không?

Tôi cũng mong sau khi các nhà giáo đọc bài này họ bỏ hết tất cả những trang trí trên trần nhà, trên 4 bức tường đang làm tăng huyết áp của cả cô và trò hay sơn đủ các màu trường mầm non dưới ánh nắng chói chang mùa hè này nhìn vào đúng là vỡ tim mất. Ai mà bệnh tim chắc sẽ đột quỵ vì kích thích màu sắc dưới nắng hè. Bạn không tin có thể hỏi bác sỹ tim mạch xem có đúng không. Ấy vậy mà các trường mầm non thi nhau xanh, dỏ, tím, vàng không kể mùa, không kể thời tiết, không kể đó là phòng vừa học, vừa ăn, vừa ngủ. Màu sắc mạnh thế, nhiều thế ngủ làm sao?

Nếu bạn có ít tiền hãy sáng tạo khi làm đồ chơi cho con.
– Ra nhà hàng hải sản xin vỏ đồ biển rửa sạch ngâm oxy già sạch sẽ.
– Ra xưởng mộc xin mẩu gỗ thừa.
– Ra của hàng tre, nứa mua ống tre nhờ họ cắt hộ cho luôn.
– Mua đất sét Bát Tràng cho con nặn
– Sắp xếp thời gian cho con chơi nước mỗi ngày an toàn
– Dành một khoảng riêng mua cát đổ vào cái chậu nhựa to là con có bể cát chơi hàng ngày
– Sưu tầm chai, lọ mỹ phẩm mọi người dùng hết
– Xin vỏ hộp, bọt biển, bìa carton
– Nắp chai nựa, nút bấc các chai rượu, nắp các loại lọ
– Sưu tầm lá, hoa, quả, hạt, vỏ cây rụng
– Sưu tầm sỏi, đá, gạch men, gạch đỏ các hình các kích cỡ cho các bạn tạo nên những công trình kiến trúc mỗi ngày
– Sưu tầm các loại cây trồng xung quanh nhà
– Tất cả đồ bếp, đồ ăn trong bếp con được dùng
– Đi công viên, đi vào rừng, đi ra biển, đi về quê… bất cứ nơi nào bạn đi hãy sưu tầm đồ đến từ thiên nhiên làm đồ chơi cho con.
– Chơi các trò chơi dân gian

Những sai lầm của người lớn ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ.
Những cách giúp con phát triển khả năng sáng tạo.

Nếu bạn mua đồ chơi cho con hãy chọn đồ chơi tư duy mở để con chơi được lâu, mỗi ngày một cách khác nhau và phát huy hết được sự sáng tạo cũng như quyền làm chủ của mình.

– Gạch xây dựng của Winwin toy
– Kapla.
– Lego theo độ tuổi in trên bao bìa
– Đồ chơi lắp ghép
– Đồ chơi cắm hạt
– Đồ chơi xếp hình
– Đồ chơi nghệ thuật: giá vẽ, màu nước an toàn, sáp, phấn…
– Các loại bóng cho các môn thể thao
– Bộ đồ chơi trang trại, safari, biển, công viên khủng long

Để con dễ quản lý, dọn dẹp đồ chơi độc lập không cần bạn giúp hãy: 

– Mua cho con chiếu nhỏ/thảm nhỏ để con để đồ dùng lên đó.
– Hạn chế số lượng mẩu, mảnh, miếng. Với mỗi em bé là khác nhau nên các bố mẹ hãy quan sát con mình.
– Hạn chế số đồ chơi trên giá lúc nào cũng chỉ cần 5-7 món. Số còn lại cất đi, luân chuyển cho tuần sau.
– Test xem con có nhớ chính xác những gì mình có, đồ đó để ở đâu. Nếu em bé mất một món đồ mà cũng không biết là mình đang để quá nhiều. Cất bớt.

Hy vọng với tất cả những bí quyết trên bạn đã có thể xây dựng được một môi trường cân bằng cho trẻ nhỏ: phòng riêng của bé, ngôi nhà, trường học, sân chơi cho trẻ.

Nắng lên rồi, cả tuần sau sẽ nắng, cả thành phố đang dương bổ sung mầu lạnh cho con các mẹ nhé! Cất hết đỏ, cam, vàng rực đi chứ không ngày mai con nằng nặc đòi mẹ không cho là lại bắt đầu một ngày mới không vui vẻ. Mà chiều theo con thì con khổ, cả lớp khổ, các cô cũng khổ. Chỉ là những điều rất nhỏ thôi nhưng thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi chúng ta.

Lê Mai Hương 
Trích Mỗi ngày một kỹ năng

Leave a Reply