Khuyến khích sự cạnh tranh và đối đầu có phải là phương pháp giáo dục phù hợp cho con bạn?

Các chuyên gia đã khẳng định rằng, việc này có tác động không nhỏ tới tư duy của trẻ cũng như ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển của trẻ. Vì thế, bố mẹ hãy thực hiện khéo léo, cẩn trọng.

Cạnh tranh và đối đầu luôn là vấn đề thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ trong cả học tập và vui chơi. Theo tự nhiên, khi vui chơi với nhau, thi thoảng các bé cũng tổ chức những trò chơi mang tính thi thố xem ai thắng ai thua. Thắng thì vui mà thua thì bé cảm thấy ấm ức. Còn trong học tập, thường thì cha mẹ là người khơi gợi sự cạnh tranh giữa bé và các bạn với nhau như “con thấy bạn A học giỏi, bạn B ngoan ngoãn, bạn C làm lớp trưởng”, “con phải cố gắng được như các bạn”. Điều này rất hay xảy ra, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tốt.

Để đạt được hiệu quả như mong muốn, bạn nên thật khéo léo để áp dụng phương pháp này một cách tích cực nhất để vừa giúp trẻ có thêm động lực hoàn thiện bản thân mình, vừa không bị gánh nặng tâm lý và nảy sinh những phản ứng tiêu cực như “ganh ghét bạn” “muốn bạn thất bại” “muốn chơi xấu”….

4 nguyên tắc lắng nghe để thấu lòng con trẻ.
4 sai lầm kinh điển mà cha mẹ nào cũng từng mắc phải.

khuyen khich su canh tranh doi dau

Tạo cho trẻ cơ hội cạnh tranh rất tốt cho sự phát triển tư duy của trẻ

Những mặt tốt của việc khuyến khích sự cạnh tranh

1. Cạnh tranh và đối đầu giúp trẻ biết cách nỗ lực để đạt được kết quả

Thay vì la mắng hay đứng ra thỏa hiệp cho trẻ khi trẻ xảy ra đối đầu và cạnh tranh, cha mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ được cạnh tranh công bằng. Bố mẹ hãy tổ chức một trò chơi đố chữ hay thi xem ai gấp quần áo nhanh hơn, người thắng sẽ là người có được thứ mình muốn. Điều này giúp trẻ hiểu rằng để đạt được kết quả như mình mong muốn trẻ phải nỗ lực hành động để nhận được chứ không phải là khóc lóc hay trông mong vào sự phân xử của người lớn.

2. Cạnh tranh và đối đầu giúp trẻ tập trung quản lý được thời gian và có kế hoạch cụ thể

Trong những cuộc cạnh tranh và đối đầu mà cha mẹ tổ chức trẻ muốn dành chiến thắng thì bắt buộc trẻ phải tập trung vào công việc đang làm, không được lơ là, bỏ dở mọi việc. Cũng trong quá trình này trẻ cũng xác định được kế hoạch cụ thể của mình để có kết quả cao nhất

3. Sự thành công trong mỗi lần cạnh tranh và đối đầu sẽ giúp trẻ tự tin khẳng định bản thân

Sau mỗi cuộc so tài dù lớn hay nhỏ đều sẽ giúp trẻ phấn đấu nhiều hơn để là người chiến thắng. Khi trẻ là người chiến thắng trẻ sẽ xây dựng được lòng tự tin, dũng cảm đối đầu với mọi khó khăn. Vì vậy dù con thắng trong bất kỳ trò chơi nào dù là đơn giản cha mẹ cũng cần tuyên dương cổ vũ, động viên con 1 cách nhiệt tình để trẻ tiếp tục cố gắng.

4. Những thất bại trong cạnh tranh và đối đầu sẽ giúp trẻ học cách dũng cảm đương đầu với cuộc sống

Không phải lúc nào trẻ cũng thành công trong các cuộc cạnh tranh của mình. Lúc này cha mẹ nên động viên trẻ giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc cạnh tranh. Không phải là việc bé thắng bại mà quan trọng là bé đã chơi như thế nào, cố gắng và nỗ lực hết mình ra sao. Tuy việc thất bại sẽ khiến bé buồn nhưng cũng đồng nghĩa sau đó bé sẽ luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để trở thành người chiến thắng.

Rèn luyện ý chí giúp trẻ sống độc lập tự tin như thế nào?
6 giai đoạn nhạy cảm của trẻ theo Maria Montessori.

khuyen khich su canh tranh doi dau 1

Hãy ở bên con, ghi nhận nỗ lực của con dù thành công hay thất bại

Những lưu ý khi thực hiện biện pháp khuyến khích cạnh tranh và đối đầu cho trẻ

1. Hãy đặt mục tiêu vừa sức

Những đứa trẻ tích cực, năng động luôn thích tham gia vào các hoạt động, trò chơi, cuộc thi. Và đó là “mẫu” trẻ em mà phần đông phụ huynh yêu thích. Thế nhưng thực tế, con bạn sinh ra đã là một thực thể riêng biệt, có thể bé bản tính đã hướng ngoại, nhưng cũng có khi bé lại hơi hướng nội. Việc khuyến khích trẻ sinh hoạt cộng đồng là hành động đúng đắn, tuy nhiên bạn phải thực hiện thật khéo léo và phù hợp với từng đứa trẻ khác nhau. Đó là nguyên tắc phù hợp và vừa sức.

2. Đừng chăm chăm vào kết quả, hãy cho con thấy ý nghĩa của sự trải nghiệm

 

“Con phải cố gắng học giỏi nhất lớp”, “con phải vượt qua bạn A, bạn B”, “con phải vào top 3”, “Chơi về bét thì chơi làm gì”, “con phải đạt giải nào đó”… Nếu bạn thường nói những câu kiểu dạng như vậy với trẻ thì hãy chấm dứt ngay lập tức. Tôi hiểu bạn muốn “kích cái tôi của trẻ” để con nảy sinh mong muốn chiến thắng và trở thành người giỏi nhất. Nhưng biện pháp này chỉ đúng tức thời mà không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ về lâu về dài. Vì nếu thường xuyên “khích lệ” dạng này sẽ khiến trẻ có nhiều phản ứng tiêu cực hơn là tích cực. Nếu chẳng may con thua, con sẽ cảm thấy mình thật kém cỏi, tồi tệ và vô dụng.

Thay vào đó, bạn nên giúp con hiểu rằng, mỗi trải nghiệm là một cơ hội tuyệt vời giúp con khám phá điều mới mẻ và khám phá khả năng của mình. Hãy nói chuyện với con thật chân tình sau mỗi lần con tham gia một hoạt động nào đó, hãy hỏi xem con nghĩ gì, hãy hỏi xem con cảm thấy thế nào….Và đặc biệt, hãy nói rằng “ba mẹ thấy con đã trưởng thành rất nhiều, con lớn hơn và giỏi hơn”….cho dù kết quả thế nào đi chăng nữa.

3. Hạn chế việc so sánh và ghi nhận nỗ lực

Tất nhiên, bạn có thể so sánh vì thực chất việc so sánh giúp cho bé có định hình cụ thể về khả năng của mình. Thế nhưng, bạn cần lưu ý, đừng so sánh thường xuyên và đừng khiến việc này trở lên nặng nề. Hãy nói rằng dù bạn A có học giỏi nhất lớp thì mẹ vẫn thấy con tuyệt vời khi luôn luôn chăm chỉ, nỗ lực mỗi ngày để con tốt hơn.

Nếu so sánh, bạn hãy lấy những tấm gương thể hiện rõ sự cố gắng và hãy nhấn mạnh vào hành trình của họ thay vì chỉ nói đến thành tích. Ví dụ như, ba mẹ có thể nói “ôi bạn B hay thật ấy, tháng trước mẹ thấy bạn ấy không dám phát biểu, nhút nhát thế mà bây giờ bạn ấy đã thuyết trình thật hay”. Từ đó bé sẽ ngầm hiểu rằng, sự nỗ lực rèn luyện là rất quan trọng.

4. Luôn cho trẻ thấy bạn yêu thương trẻ vô điều kiện

Hãy sử dụng các phương pháp biểu hiện tình yêu mà trẻ có thể cảm nhận được (tại đây) để con hiểu được rằng, dù con có thất bại hay không được kết quả như mong muốn thì bạn vẫn yêu con vô điều kiện.

Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con, giúp con trở thành những người thông minh chiến thắng bằng chính niềm tin, nỗ lực và quyết tâm của bản thân mình, cũng như giúp con dũng cảm chấp nhận những thất bại trong cuộc sống.  Dù thành công hay thất bại thì quan trọng hơn cả là cách bạn giáo dục con nhìn nhận và chấp nhận vấn đề, khuyến khích con có sự cạnh tranh và đối đầu một cách công bằng và hiệu quả.


Đọc thêm:

Lời khuyên của chuyên gia: Cha mẹ nên có thái độ nào đối với việc học hành của trẻ?
Đừng giới hạn trẻ trong hiểu biết của người lớn: 5 gợi ý hay dành cho cha mẹ.

Leave a Reply