Một vài kinh nghiệm nuôi dậy trẻ từ 0 – 6 tuổi

Tôi vẫn luôn tâm huyết và trăn trở về những điều liên quan đến chủ đề “giáo dục”, đơn giản “giáo dục” chính là nền tảng của tương lai, của sự phát triển, là con đường chuẩn chỉnh nhất của sự nghiệp hướng con người về phần “làm người”, kiềm chế phần “con” để trở nên có ích cho xã hội.

Mới hôm rồi, ngồi với một cô bạn dẫn hai đứa con đến chơi, các cháu rất ngoan, vào là lễ phép chào hỏi, ăn uống cũng không kén chọn, tự xúc ăn cũng nghiêm chỉnh. Chỉ có điều, khi quan sát kỹ các cháu, tôi có vô tình hỏi bạn một câu: “Hai đứa nhà mày có vẻ hiền nhỉ?”. Bạn tôi cười phớ lớ: “Uh, hiền lắm, hiền quá mức ấy, thì bố mẹ nó đều hiền chúng nó phải hiền chứ!”. Rồi khi hai mẹ đang buôn dưa lê, bán dưa chuột đủ chuyện trên trời dưới biển, tôi thấy bé trai con đầu của bạn tôi (5 tuổi) chạy lại ôm mẹ rồi nũng nịu: “Mẹ ơi, M (tức cô em gái 4 tuổi, đứa con thứ 2 của bạn tôi) không cho con chơi”. Tôi thấy bạn tôi cười, nói thế này: “Thế thì con phải xin em chơi chứ, phải nói là: Em M ơi, cho anh chơi với???”. Tôi nghe xong, rồi nói: “Sao phải xin? Không cho chơi thì oánh”. Bạn tôi giãy nảy lên: “Mày dạy dỗ kiểu gì đấy? Bạo lực thế!”. Tôi cười, nói: “Thế sao mày phải đi giải quyết chuyện của anh em chúng nó? Làm anh là làm anh, có cái lý gì mà anh muốn chơi mà phải xin em cho chơi?”. Nó bảo tôi: “Anh em nó gần tuổi nhau, khó lắm mày ơi, thằng em tao kém tao có 2 tuổi ngày xưa đánh tao suốt”.  Tôi lại hỏi: “Thế sao mày không để chúng nó tự giải quyết vấn đề? Mày đưa đường chỉ lối thế sau này nó cứ ỷ lại vào mẹ thì làm thế nào? Hơn nữa, mày không dạy cho con nó kỹ năng tự bảo vệ mình à?” Bạn tôi im lặng suy nghĩ không nói gì. Đành rằng là bố mẹ đẻ dầy, anh chị em như bạn bè, chuyện bắt nạt nhau không thể tránh khỏi, nhưng trẻ con như tờ giấy trắng – có đứa bé nào đẻ ra đã biết bắt nạt người khác đâu? Thế cho nên cách giáo dục của bố mẹ là rất quan trọng. Nếu đã coi chúng nó là bạn bè thì sao không đối xử công bằng, lại cứ đi thiên vị cái đứa bé hơn (và thường là ghê gớm hơn)??? Hơn nữa, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng nên học từ nhỏ, không phải tự dưng mà có đứa bé thì độc lập, có đứa thì ỷ lại bám bố mẹ không rời. Đừng đổ tại “Tính cách nó thế”, tính cách chỉ một phần thôi, quan trọng là ở giáo dục cả đấy. Ngay như hôm nay, khi tôi đi dự lễ khai giảng của con mình, tôi thấy một tình huống rất ngộ, trong khi hầu hết các bạn lớp 1 đứng xếp hàng ngay ngắn, thì có một cô bé nước mắt ngắn nước mắt dài, không chịu đứng vào hàng, cứ bám lấy bố mẹ không rời, mà bố mẹ thì người quát người dỗ, cô giáo đứng giữa vừa trấn an phụ huynh, vừa động viên bạn nhỏ, chả ra sao cả. Các bậc phụ huynh chỉ lắc đầu thở dài, còn các con thì nhìn chăm chú bạn gái rõ xinh mà mít ướt. Tự dưng cả nhà 3 người thành trung tâm của mọi ánh nhìn, vô tình thành gia đình “nổi tiếng” rồi.

Sau nhiều năm tự thân trải nghiệm các phương pháp giáo dục của gia đình, nhà trường, sách vở và internet… cùng vài năm tự mình xây dựng một phương pháp giáo dục phù hợp cho con mình, tôi “ngộ” ra mấy điều về phương pháp giáo dục cho trẻ nhỏ (độ tuổi từ sơ sinh đến vào tiểu học) như sau:

1. Bố mẹ muốn dạy con, quan trọng nhất là phải hiểu con. Hiểu con giai đoạn bé xíu này vừa dễ, vừa khó. Theo lý thuyết “dấu hiệu” mà tôi đang tìm hiểu thì có rất nhiều dấu hiệu để cha mẹ có thể nắm bắt tính cách của trẻ (những tính cách này theo bộ gen quyết định phần lớn) như cách ăn, cách ngủ, cách chơi, cách phản ứng của con. Không trẻ nào giống trẻ nào, mỗi một em bé là một cá thể độc nhất vô nhị trên thế gian và người giáo dục chúng tốt nhất chính là những đấng sinh thành. Thêm nữa, các môn khoa học về con người như Cung Hoàng đạo, Tử vi lý số, tướng số,…thậm chí cả nhóm máu cũng là những dấu hiệu không nên coi thường. Nhưng xin hãy nhớ chúng chỉ là những dấu hiệu để giúp bạn đi con đường tắt trong việc nắm bắt biểu hiện tính cách con trẻ, xin đừng tin tưởng mù quáng và áp đặt nhất nhất nhé! Bố mẹ không hiểu con, cũng giống như người muốn đi đến đích mà không biết đường đi vậy, nếu không hiểu con, không thể có cái nhìn khách quan trong giáo dục mà sẽ chỉ là áp đặt, bắt buộc, thậm chí còn là độc đoán, bảo thủ và cho rằng “Mình làm thế là đúng, là tốt cho con mình”, nhiều khi bỏ qua cảm xúc và mong muốn của trẻ.

2. Định hướng cho trẻ là rất quan trọng, mà công cụ đắc lực nhất để cha mẹ định hướng chính là tư duy và thói quen. Tư duy, trước hết chính là công tác tư tưởng, mà công tác tư tưởng thì phải làm thường xuyên, thường xuyên nói (trình bày vấn đề), thường xuyên kể (dẫn chứng đông tây kim cổ, bằng chứng thực tế khắp mây giời trăng nước, thậm chí là tự sáng tác mà kể), thường xuyên bày tỏ (bày tỏ cảm xúc, bày tỏ thái độ) và thường xuyên hành động (nói cách khác là “làm mẫu”, “làm gương”). Một đứa trẻ cần phải học cách tư duy tích cực, cụ thể chính là trẻ cần phải có những suy nghĩ riêng của mình, phải biết cách giải quyết khi gặp một vấn đề và luôn nhìn mọi việc theo hướng lạc quan. Từ khóa nên có trong đầu một đứa trẻ là “mình có thể” và “mình làm được”. Điều này, sẽ giúp trẻ dũng cảm, tự tin và độc lập hơn trong mọi chuyện. Nếu rèn luyện tư duy chỉ mới đưa trẻ hoàn thiện về suy nghĩ, nhận thức thì rèn luyện thói quen mới chính là một bước quyết định hình thành nên “ý thức”. Ví dụ thế này, con người đa phần đều nhận thức được cần phải bảo vệ môi trường nhưng không mấy ai có ý thức bảo vệ môi trường, khi cần xả rác vẫn xả tùy tiện (dù 100m cách đó có cái thùng rác to vật), khi cần “xả” vẫn phóng uế vô tội vạ,… Rèn luyện thói quen quả thực vất vả, một mình trẻ không thể tự làm, bố mẹ cũng không phải chỉ có việc nói là xong. Nhưng có thể nói, rèn luyện thói quen ở lứa tuổi trẻ em này là dễ nhất, càng lớn tuổi càng khó rèn luyện. Rèn một thói quen với trẻ nhỏ chỉ cần 21 ngày liên tục bắt trẻ lặp đi lặp lại một hành động, không được gián đoạn, ngắt quãng. Chỉ cần cha mẹ kiên trì, nghiêm khắc, không nhân nhượng, không thỏa hiệp thì những thói quen thường ngày như đánh răng, ăn uống, vệ sinh, học hành của trẻ nhỏ không còn là vấn đề đau đầu nữa. Khi đã thành thói quen, cơ thể trẻ sẽ tự giác có một “đồng hồ sinh lý nhắc nhở” và sẽ hành động một cách có ý thức. Con người chúng ta luôn hành động theo thói quen, thậm chí là nhiều thói quen còn trở thành bản năng, tiềm thức, có những khi chúng ta hành động gần như là chưa kịp suy nghĩ, chưa kịp nhận rõ chúng ta vừa làm gì? Tôi đã có những trải nghiệm rất thú vị khi xây dựng thói quen cho em trai và con gái của mình, dù với bản thân mình tôi chưa thành công cho lắm (hic hic).

Cậu em ruột của tôi kém tôi gần chục tuổi, khi tôi vào đại học thì nó mới học lớp 4, mấy đứa bạn của tôi đến chơi nhà thường mắng tôi “Mày quá đáng vừa thôi, đừng có sai em nó nhiều như thế”. Lúc ấy, tôi chỉ ha hả cười rất bố láo và kệ xác lời can ngăn của chúng nó. Thằng em tôi, từ khi mới đẻ ra đã được tôi “huấn luyện” thành tay sai vặt chuyên nghiệp của tôi rồi, nào rót nước, lấy tăm, chạy chỗ này lượn chỗ kia… chả có việc gì tôi không sai nó làm, mà nó làm rất là ngoan ngoãn, không mấy khi có phản ứng gì. Cơ bản là nó rất sợ tôi đánh.. hay nhốt vào nhà vệ sinh (tính nó dát từ bé). Ngày một ngày nó lớn, giờ nó cao hơn 1m7 và nặng hơn tôi, từ lâu rồi tôi không thể đánh lại nó, nó cũng chẳng còn nghe những lời tôi dạy dỗ nữa. Thôi thì, tôi cũng phải chấp nhận, thời kỳ đàn áp huy hoàng ấy mãi xa rồi. Nhưng có một điều tôi nhận ra là tôi vẫn “sai” nó được, tức là khi có việc này việc kia, tôi bảo nó làm, nó vẫn gật gù đi làm, kỳ lạ là thái độ của nó vẫn rất ngoan ngoãn… nhiều khi có cảm giác việc nó nhận lời làm theo ý mình cứ như là bản năng vậy. Rồi tôi so sánh với việc mỗi lần mẹ tôi sai khiến nó, nó đều lấy cớ từ chối hoặc cũng phải bắt bẻ đủ điều mới đi làm thì tôi nhận ra, à hóa ra là làm “tay sai” từ bé cũng có thể trở thành một thói quen, mà thói quen này kéo dài trong một khoảng thời gian dài sẽ trở thành những hành động trong tiềm thức.

Việc rèn luyện thói quen cho con gái mình, tôi cũng nghiệm ra nhiều điều thú vị. Khi tôi muốn “huấn luyện” con mình thành một “tay sai” mới, tôi dần dần nhờ con những việc nhỏ như lấy nước, lấy đồ nhẹ. Ban đầu, khi rảnh rỗi nàng rất vui vẻ làm nhưng khi nàng đang mải xem ti vi hoặc chơi gì đó, nàng làm rất miễn cưỡng, có vẻ thấy rất phiền. Khi nàng 3 tuổi, mồm đầy một bồ lý luận thì nàng bắt đầu hạnh họe: “Tại sao con cứ phải lấy cho mẹ? Mẹ có giúp con gì đâu?” Hay “Mẹ ở gần đấy mà, sao mẹ không tự mà lấy?”… Á à, chơi lý luận với tôi à? Còn non và xanh lắm con ạ. Tôi e hèm phân tích: “Mẹ không giúp gì cho con ư? Ai nấu cơm cho Bi? Ai pha sữa cho Bi uống? Ai tắm cho Bi? Ai giặt quần áo và gấp cho con? Lúc Bi ốm, ai nghỉ làm chăm Bi?,… Con thấy có việc gì của con mà mẹ không giúp con không? Sao con lấy hộ mẹ cốc nước mà khó khăn thế?” Vậy là nàng im tịt, cứ lầm lũi mà làm, đến giờ thì cái chuyện sai này sai nọ nàng làm như việc đương nhiên rồi, không còn ý kiến ý cò nữa. Không có đứa trẻ nào tự nhiên biết giúp bố mẹ nếu bố mẹ không có định hướng luyện thói quen này cho con. Đừng để đến khi con 16, 17 tuổi rồi mới sai con làm việc nhà, không sai được lại quay ra mắng mỏ, chê bai nó “vô tích sự”. “Giúp bố mẹ” là một ý thức cần được xây dựng từ khi con còn nhỏ bằng những thói quen rất nhỏ. Mà một người con có ý thức “giúp bố mẹ” mới là một đứa con có hiếu và biết thương cha mẹ.

3. Giáo dục trẻ con cần kết hợp nhiều phương pháp giáo dục. Cha mẹ chính là những nhà lãnh đạo đối với con của mình. Đối với trẻ con, cha mẹ gần như phải sử dụng cả 3 phong cách lãnh đạo một cách linh hoạt: độc đoán (áp đặt), dân chủ (trưng cầu dân ý), và trao quyền tự do (tự giải quyết). Bố mẹ không thể chỉ thực hiện một phương pháp trong suốt hành trình nuôi dậy trẻ, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ con nhỏ rất nhạy cảm này. Nếu cha mẹ quá áp đặt, con cái sẽ hình thành tính cách thiếu tự tin, hay sợ hãi và khi lớn sẽ có thái độ chống đối, ít chia sẻ với bố mẹ. Nếu bố mẹ quá dân chủ, cái gì cũng tôn trọng và nghe theo ý kiến của con cái, dễ dàng hình thành con trẻ tính cách tự mãn, hiếu thắng, luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ, sau này khi con trưởng thành sẽ gặp nhiều vấp váp trong cuộc đời. Nếu cha mẹ cứ “đem con bỏ chợ”, trao quyền tự do tự quyết cho con trẻ quá sớm, trẻ sẽ hình thành tính cách vô nguyên tắc, thiếu định hướng đúng đắn trong quá trình trưởng thành. Vì vậy, làm cha làm mẹ, chúng ta không thể luôn tuân theo một cách thức nào cả, tùy trường hợp, vấn đề, tùy theo quá trình lớn lên của con cái mà chúng ta có những thái độ “lãnh đạo” khác nhau, giúp cho con cái cân bằng cũng chính là giúp cho người lớn chúng ta cân bằng. Bởi quá trình giáo dục luôn có hai chiều, chúng ta dạy dỗ con cái, đồng thời cũng chính là chúng ta đang học hỏi và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

4. Lứa tuổi này, cần tập trung dạy các kỹ năng cho trẻ, trong đó có 3 kỹ năng cần được ưu tiên: Kỹ năng tự chăm sóc mình, kỹ năng tự bảo vệ mình và kỹ năng hòa nhập. Đây là 3 kỹ năng nền tảng để giúp con trẻ vững vàng và sẵn sàng những bước đi tiếp theo trong hành trình lớn lên của mình. Đối với kỹ năng hòa nhập thì quan trọng nhất là cách giao tiếp. Một đứa trẻ nhanh mồm nhanh miệng bao giờ cũng gây được chú ý và thiện cảm của người khác. Tất nhiên, tính cách từng trẻ là khác nhau, không phải cháu nào cũng thích thể hiện, thích nói nhưng việc thường xuyên đưa trẻ ra ngoài, cho trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường, gặp gỡ với những người khác nhau sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập và nâng cao khả năng giao tiếp của trẻ.

5. Một vấn đề mà xảy ra rất nhiều tranh luận đó là việc “đánh con” có nên hay không? Với quan điểm cá nhân tôi, đánh con không sao cả, chỉ là mức độ thế nào thôi? Cũng không phải vô lý mà các cụ đã từng dạy “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. “Đánh đòn” nên đưa vào là một công cụ giáo dục, việc đánh đòn ngoài việc thể hiện cho trẻ hiểu “không phải việc gì cũng nhân nhượng được”, còn có một ảnh hưởng đến rất lâu sau này, đó là cái uy của cha mẹ. Tất nhiên, cái uy của người lớn không phải cứ đánh là có mà phải từ rất nhiều yếu tố cấu thành. Nhưng những đòn roi từ thuở nhỏ cũng là một “dấu ấn” điều chỉnh hành vi của trẻ em sau này. Bạo lực chưa bao giờ được ủng hộ nhưng khi cần thì “đòn roi” cũng có ích, nhất là đối với những đứa trẻ bướng bỉnh, thích ăn vạ.

Thực tế, trong hành trình nuôi dạy con mình, tôi tự nhận thấy bản thân mình vẫn còn nhiều thiếu sót, cũng có ít nhiều những sai lầm khi nuôi dậy con, nhưng tôi cũng đã học hỏi và chiêm nghiệm ra rất nhiều điều hữu ích. Khi chúng ta trở thành cha mẹ, chúng ta đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, trách nhiệm và nghĩa vụ được tăng lên thêm mấy lần thay vì trước kia  chúng ta chỉ hay suy nghĩ những vấn đề quanh bản thân mình.  Con cái là tương lai của chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ xây dựng “tương lai” này thật tốt, thật thành công!

Chi Vy – Được viết vào ngày 05/9/2015.

Leave a Reply