“Về hạnh phúc thì thế giới con người tiến hóa thua xa thế giới loài vật. Bạn đâu thấy một con vật nào là không vui vẻ, hạnh phúc. Còn với con người thì ít thấy có con người nào lại vui vẻ, hạnh phúc. Thật đáng tiếc cho thế giới lòai người”
Đoạn trích trên là nhận định theo bản thân mình thấy là khá hài hước được tác giả đưa ra ngay đoạn mở đầu của cuốn sách “Thiền định và tâm trí diệu kỳ”.
Nhưng liệu nhận định này có đáng để chúng ta tiếp tục suy nghĩ? Cứ như thế, tác giả tiếp tục đưa mình vào một chuỗi các thông tin xem chừng “lạ lẫm” với thế giới “bình thường”, như là, sự phát triển khoa học vượt bậc đã mang lại cho thế giới những phát minh vĩ đại nhưng cũng khiến con người máy móc hơn và bỏ quên tâm hồn, rồi việc ăn thịt động vật là rất kinh khủng, con người không nên ăn thịt động vật, đó là hành động của kẻ không có lòng từ bi. Nhưng làm thế nào để có lòng từ bi? Không chỉ dừng việc ăn thịt động vật không thôi, con người cần nuôi dưỡng tính tâm linh. Và rồi ông khẳng định, thiếu tính tâm linh thì loài người hòan tòan mất đi hạnh phúc….
Thì rốt cục, mình cũng là một trong số những con người đang đi tìm hạnh phúc…
Theo như lời giới thiệu thì “Thiền định và tâm trí diệu kỳ” là một cuốn sách nhỏ mang tính khởi động cho loạt sách “Khoa học tâm thức thời đại”, bên cạnh hai cuốn sách khác như “Không có cái chết” và “Tự chữa lành” do công ty Sách Phương Nam và phong trảo Tâm thức Kim Tự Tháp phối hợp với nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản. Điều đó có nghĩa là cuốn sách hòan tòan không “phức tạp” đối với lĩnh vực khoa học tâm thức, nhưng thành thật mà nói, cuốn sách này đã làm khó mình rất nhiều vì thông tin mà trong cuốn sách đưa ra khác biệt hòan tòan với cuộc sống bình thường vốn dĩ khá “yên ấm” hiện tại… Vì thế, mình thấy mình chưa thể hiểu cũng như hấp thụ hòan tòan những điều mà tác giả nêu ra trong khi nội tâm vẫn đầy những câu hỏi mâu thuẫn “cuộc sống bình thường có sao đâu, ông bà bố mẹ vẫn sống như vậy thôi, tại sao phải thay đổi…?”
Và rồi, mình nghĩ lại cái duyên đưa mình tới những cuốn sách như vậy, đó là duyên và cũng là vì tâm trí mình cũng đang kiếm tìm một cái gì đó khác đi, có lẽ vậy…
Do không thể hiểu hết các thông tin của cuốn sách nên mình không thể “review” đầy đủ, trong bài viết này, mình chỉ tóm lược một số ý quan trọng của phần “hơi thở” và “thiền định” cơ bản để gửi tới mọi người cũng như để tự nhắc nhở mình. Khi đọc sách, bạn sẽ được cung cấp thêm thông tin về “khoa học tâm linh; Giác ngộ; Con mắt thứ 3; Ăn chay…”.
“Cốt lõi của mọi Tôn giáo là Tâm linh
Cốt lõi của Tâm linh là Khoa học Tâm thức (linh hồn)
Cốt lõi của Khoa học Tâm thức là Thiền định
Cốt lõi của Thiền định là Hòa quyện vào Hơi thở.”
Là một cuốn sách khó đọc nhưng mang tới nhiều gợi mở thú vị
1. Chú ý vào hơi thở
Tác giả nhấn mạnh mọi sinh vật sống đều cần năng lượng của hơi thở và năng lượng này lại đặc biệt cần thiết cho tâm thức (linh hồn) con người về mặt tâm linh. Để biết và cảm nhận năng lượng thì cách tốt nhất là hòa quyện làm một với hơi thở.
Để làm được điều này, chúng ta không cần hít thở “dài” hay “ngắn”, chỉ cần giữ hơi thở tự nhiên như bình thường, nhẹ nhàng, dễ dàng là được. Khi hòa quyện vào hơi thở tự nhiên, nhẹ nhàng này, tâm trí ta sẽ tự động trở nên trống rỗng.
Tâm trí trống không
Chitta theo những nhà tiên tri cổ đại của Ấn Độ là những luồng sóng ý nghĩ cuồn cuộn trong tâm trí. Chắc bạn cũng đồng tình với việc con người chúng ta luôn bị quyấy rầy và tổn hại bởi một tâm trí không nghỉ ngơi. Việc này gây tốn hao năng lượng không mong muốn cho tinh thần. Khi năng lượng tinh thần bị hao tổn thì cơ thể vật chất sẽ trở nên yếu ớt và dễ bị tấn công từ những nguồn bên ngòai, kết quả sinh ra bệnh tật, lão hóa sớm, cuối cùng là chết sớm. Gần hơn, thì việc này sẽ gây ra sự suy giảm khả năng tập trung chú ý tới các việc ngay trước mắt.
Phương pháp rũ đỏ đó là chúng ta cần phải nuôi dưỡng trạng thái êm dịu của tâm trí một cách có ý thức.
Việc để tâm trí chú ý hòan tòan vào hơi thở (thiền định) chính là cách khiến cho tâm trí chúng ta êm đềm, bình lặng, tĩnh tại và gần như trống rỗng và chúng ta sẽ nhận được nguồn năng lượng lớn lao tràn vào cơ thể.
2. Thiền định
Thiền Anapanasati là gì?
Ana nghĩa là hít vào
Apana nghĩa à thở ra
Sati nghĩa là hòa nhập cùng hơi thở
Trong Anapanasati, tâm trí luôn chú ý vào hơi thở. Bạn không cần tụng niệm câu chú nào, không cần nghĩ đến vị thần linh nào, có thể ngồi bất cứ tư thế nào sao cho thoải mái, dễ chịu, các ngón tay nên đan vào nhau, nhắm mắt lại, dừng những suy nghĩ lung tung trong tâm trí, hãy để cho các suy nghĩ ấy tự đến và tự đi…
Thiền định và giác ngộ: Thiền định – Giác ngộ – Khai sáng – Vui sống
Thiền định – Bước 1
Tác giả định nghĩa thiền định nghĩa là kiểm soát được tâm trí, làm chủ được tâm trí, có 3 giai đoạn: Anapnasati (hòa quyện vào hơi thở, đã nói ở trên) – Kayanupassana (quan sát sự vận động của vùng năng lượng trong cơ thể, là kết quả của giai đoạn trước) – Vipassana (con mắt thứ 3 được khai mở).
Giác ngộ – bước thứ 2
Khi con người đã thực hiện xong bước thứ 1 về thiền định và hiểu bản chất của từ “con mắt thứ 3”, lúc đó tác giả gọi là Giác ngộ. Tuy nhiên, để giác ngộ trở nên vững chắc con người cần thực hiện 2 bước nữa, đó là Swadhyaya (đọc đúng sách tâm linh) và Satjana Sangatya – gặp đúng người. Không đọc đúng sách và gặp đúng người thì Giác ngộ sẽ không thành được.
Tỉnh thức – bước thứ 3
Tỉnh thức là cống hiến tòan bộ vào công việc đang thực hiện ngay tại hiện tại, là hòan tòan sống với hòan cảnh hiện tại, ngay lúc này, là hạnh phúc dõi theo và quan sát hững cảm xúc tự nhiên “ngay tại đây” và “bây giờ”. Và cuối cùng, đó cũng là sống trong cõi hiện thức phi thời gian, vĩnh cửu, bất tận. Có quá khứ, có hiện tại và có cả tương lai.
Niềm vui sống – bước cuối cùng
Kết quả tối hậu của thiền định là sự giác ngộ. Kết quả sau cùng của của giác ngộ là tỉnh thức. Kết quả tận cùng của tỉnh thức là niềm vui sống.
Đó là những thông tin lý giải rất cơ bản mà bản thân mình có thể hiểu được “phần nào”. Những phần tiếp theo tác giả đi vào giải thích kỹ hơn về Lợi ích của thiền định, Sự gia tăng năng lượng cơ thể, sức khỏe tòan diện, mười tám nguyên tắc hướng dẫn cho những bậc thầy kim tự tháp, PSSM,… Những thông tin rất cụ thể và khó có thể trích dẫn rời rạc, nên nếu quan tâm bạn nên tự đọc tòan bộ cuốn sách. Điều cuối cùng mình nghĩ mình nên ghi nhớ đó là, theo tác giả “Sức khỏe tòan diện” bao gồm 5 phần: Sức khỏe thể chất, Sức khỏe cảm xúc tinh thần, Sức khỏe trí tuệ, Sức khỏe tâm linh, Sức khỏe xã hội (nghĩa là chúng ta cần có trách nhiệm với sức khỏe của xã hội).
3. Sơ qua về tác giả
Tác giả Minh Sư Patriji là người đã đạt giác ngộ vào năm 1979, ông đã đọc trên 50.000 nghìn cuốn sách về Khoa học tâm linh và Khoa học Thiền định (số liệu được trích dẫn trong cuốn sách này). Ông cũng thực hiện hơn 60 cuốn sách và băng đĩa về Khoa học Tâm thức thời đại mới, các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tóm lại, những điều mình lưu lại trong bài viết này chỉ mang tính chắt lọc thông tin và ghi chép cho dễ nhớ, quả thực chưa thể khẳng định việc này có làm sai lệch bản chất của vấn đề hay không. Nhưng mình cũng cần thời gian để khám phá và kiểm định, mời bạn tham khảo nhé.
PS: Bạn có thể mượn sách từ Thư viện betuduy.vn miễn phí cho thành viên nhé. Nếu không, thử xem giá và đặt mua.
Mẹ BoKem.