“Con cái là của để dành của cha mẹ”, “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Đây là suy nghĩ của gần như 100% người Việt Nam. Nghĩa là, con cái được mặc định trở thành nơi nương tựa, người mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha mẹ lúc tuổi già, khi trái gió trở trời.
Chính vì suy nghĩ này nhiều cha mẹ đang dồn phần lớn tài chính lo cho con ăn học, thậm chí bán nhà cửa đầu tư cho con đi du học… Việc này có thể sẽ tạo áp lực nên cuộc sống của con cái sau này.
Việc đầu tư cho giáo dục con cái cũng chính là một kênh đầu tư cho chính tuổi già của chúng ta. Vì đầu tư cho giáo dục là cho con “cần câu” giúp con tự nuôi sống mình suốt cả cuộc đời. Để trách nhiệm về tài chính của bạn với con được kết thúc khi con trưởng thành.
Nhưng hầu như chúng ta đều quên mất rằng trên cuộc đời này có chữ “độ”, nghĩa là mọi việc để đạt kết quả tốt cần điều độ, cần có “độ” phù hợp với bản thân từng người. Như vậy việc đầu tư cho giáo dục con cái cũng cần “độ” phù hợp với sức khỏe tài chính của từng phụ huynh.
Các bậc cha mẹ, thường có tâm lý “hy sinh tất cả” cho con, tuy nhiên đây thực sự đã là một cách nghĩ lỗi thời. Kết quả của hành động dồn phần lớn sự thịnh vượng cho việc học của con cái, cha mẹ không có đủ tài chính để tự lo chăm sóc sức khỏe cũng như các nhu cầu khác khi về hưu, chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng của con cái. Điều này hoàn toàn không công bằng với con cái chúng ta.
Trí thông minh của con hoàn toàn do gen từ cha mẹ? |
4 Cách điều chỉnh những em bé hay nói dối tọc mạch. |
(Nguồn ảnh: The Financial Express)
Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ phản đối điều này, nhưng đó là sự thật. Người quyết định dành tất cả sự thịnh vượng cho giáo dục của con trẻ chính là các phụ huynh. Người quyết định giao phó toàn bộ tuổi già của mình cho con cái cũng chính là các phụ huynh. Phụ huynh chúng ta có bao giờ thử hình dung cho cuộc sống của con cái mình khi chúng ta về già chưa. Chính là hình ảnh một người đang gồng gánh một bên là gia đình nhỏ của mình, một bên là con cái. Đây chắc chắn không phải là điều bất cứ phụ huynh nào mong muốn.
Vì vậy, để cha mẹ và con cái “hai bên cùng có lợi” trong việc tích lũy cho tương lai, cha mẹ cần lập kế hoạch tài chính với nhiều khoản đầu tư hơn là một khoản đầu tư duy nhất vào giáo dục cho con cái.
- Chọn trường phù hợp với nhu cầu tài chính của phụ huynh. Đừng chọn theo những người xung quanh bạn.
- Cha mẹ có thể dành thời gian, tình cảm và kinh nghiệm sống để hỗ trợ con, không nhất thiết phải dùng tiền.
- Nói chuyện thẳng thắn với con về định hướng, kế hoạch của con trong tương lai.
- Con không nhất thiết phải đi du học, học các lớp kỹ năng đắt đỏ mới thành công. Nhưng cha mẹ chắc chắn phải có nguồn tiền tích lũy để lo cho bản thân khi về già.
- Nếu như con khao khát được đi du học, con cần tìm học bổng, các nguồn tài trợ để học.
Chẳng ai muốn mình là gánh nặng của con cái trong tương lai, vì thế các bậc phụ huynh cần cân nhắc việc đầu tư cho giáo dục của con cho phù hợp với tình hình tài chính của chính mình. Đừng để khi các con lớn lên, cha mẹ chỉ còn lại “cái tổ trống rỗng”. Tự mình hoạch định cho mình, tự tích lũy tiền bạc, tự chủ cho cuộc sống là cách tốt nhất để đảm bảo cho tuổi già được thanh thản, bình an.
Tuyết Hoàng.
Bài viết cùng tác giả: