“PANTS RULES”- Quy tắc mà mọi cha mẹ phải biết

Xã hội càng hiện đại, càng phát triển thì việc nuôi dạy con càng khó khăn. Tại sao lại như vậy? Bởi ngoài việc dạy con “biết ăn ngủ, biết học hành” thì cha mẹ phải tìm hiểu vô số những kỹ năng cần thiết để trang bị cho con trong hành trang vào đời sau này. Một trong số đó là kỹ năng tự bảo vệ bản thân với quy tắc “PANTS rules”- quy tắc quần lót mà mọi cha mẹ phải biết trong xã hội ngày nay.


1. Có nên dạy trẻ sớm về tiền bạc?

2. Bí mật cách người Do Thái dạy con về tiền bạc.

3. Dạy con quản lý và sử dụng tiền như thế nào?

4. Sơ đồ tư duy là gì?


P1

(Nguồn: https://www.nspcc.org.uk)

Vấn nạn xâm phạm trẻ em đang ngày càng nhức nhối

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất, kỹ năng tự bảo vệ bản thân thể hiện ở sự hiểu biết của một người về sự vật, sự việc xung quanh mình để có cách ứng xử, hành động đúng, an toàn đối với sự vật, sự việc đó.

Nếu như trước đây vấn đề tình dục, xâm hại tình dục được quan niệm chỉ dành cho trẻ vị thành niên thì nay, trước vấn nạn “ấu dâm” nhức nhối, các bậc cha mẹ mới lo lắng tìm hiểu.

Trên thực tế, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2-6 tuổi là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất, bởi các con trong độ tuổi này hay tò mò, dễ bị thu hút, khám phá những thứ mới mẻ nhưng lại chưa phân biệt được đúng sai, chưa hình thành tư duy cơ bản về bảo vệ bản thân, bảo vệ cơ thể.

Nếu bạn có con nhỏ và đang rất lo lắng, chưa tìm được cách truyền đạt đơn giản nhất cho con hiểu? Không cần dạy con một cách quá máy móc và dùng “thủ pháp” nói giảm nói tránh phức tạp, hãy đọc ngay “quy tắc quần lót” dưới đây và hướng dẫn lại cho con ngay lập tức!

“PANTS rule” sẽ giúp các các con tự bảo vệ mình một cách tốt nhất

5 điều cần nhớ trong quy tắc quần lót

“PANTS rules” là một trong những chiến dịch tuyên truyền của “Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành Trẻ em (NSPCC) – tổ chức từ thiện hàng đầu của Anh chuyên về bảo vệ trẻ em và phòng chống ngược đãi trẻ em” đưa ra vào năm 2014, nhằm kêu gọi phụ huynh dạy con mình biết cách bảo vệ bản thân trước các hành vi xâm hại đến cơ thể con trẻ. Chiến dịch này được vận động và có sức ảnh hưởng lớn đối với tất cả các bậc cha mẹ trên toàn thế giới nhằm bảo vệ trẻ khỏi nạn ấu dâm.

Chữ “PANTS” tương ứng với các chữ cái đầu của 5 nguyên tắc như sau:

Nguyên tắc đầu tiên: chữ P -Private (Riêng tư):

Cha mẹ cần nói với trẻ rằng không một ai được nhìn hay chạm vào vùng kín của trẻ, trừ bố mẹ hoặc bác sĩ, y tá. Bác sĩ cần phải mặc đồng phục và làm việc trong giờ khám chữa bệnh. Con phải được người lớn giải thích kỹ càng việc khám, chạm vào vùng kín để làm gì. Trước khi tiến hành, cần phải có sự đồng ý của con.

Cha mẹ nên nhấn mạnh rằng, con có quyền từ chối. Đối với bé gái 3 tuổi trở lên, nên dạy con tự tắm rửa, thay đồ hoặc hãy để mẹ, bà làm việc đó. Nên hạn chế tối đa để nam giới làm việc này, dù là bố hay anh trai ruột.

P2

(Nguồn: https://www.nspcc.org.uk)

Nguyên tắc thứ hai: chữ A –  Always : remember your body belongs to you (luôn nhớ cơ thể thuộc về con)

Trẻ nhỏ không thể tư duy được việc nào đúng, việc nào sai. Do đó, nếu con được yêu cầu một việc trong phạm vi con hoàn toàn không hiểu được thì con sẽ nhất nhất nghe lời.

Vì thế, nội dung của nguyên tắc này đó là: không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể con, khiến con khó chịu. Nếu ai đó cố tình, con cần biết nói “không” dứt khoát.

Để thực hiện tốt nguyên tắc này, cha mẹ cần dạy con không đi đâu với ai nếu không có sự đồng ý của bố hoặc mẹ. Dạy con có phản xạ tự bảo vệ mình nếu ai đó tiếp tục quấy rối khiến con thấy sợ hãi, khó chịu. Thay vì im lặng, con có thể hét lên cho người khác nghe thấy, hoặc cắn mạnh rồi tìm cách chạy tới nơi có đông người để nhờ giúp đỡ.

Nguyên tắc thứ ba: chữ N –  No  means no (không là không):

Giúp trẻ nhận thức được rằng con có quyền nói “không” với những động chạm con không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình. Dạy con rằng trẻ ngoan, biết vâng lời không đồng nghĩa với việc luôn đồng ý với mọi đề nghị người lớn đưa ra. Khi con không thích, con thấy băn khoăn với lời đề nghị nào đó hãy nói không trước rồi về hỏi cha mẹ sau đó.

P3

(Nguồn: https://www.nspcc.org.uk)

Hãy dạy con biết chia sẻ và cha mẹ phải học cách lắng nghe con bất cứ lúc nào

 Nguyên tắc thứ tư: chữ T –  Talk : Talk about secrets that upset you (nói về những điều bí mật khiến con buồn):

Cha mẹ hãy giải thích một cách chi tiết cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” của những kẻ lạm dụng thường khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ hãi, không dám kể cho ai khác nghe. Với những “bí mật xấu” khiến con không vui, không thoải mái, con cần nói ra với mẹ.

Nguyên tắc thứ năm: S –  Speak  up, someone can help (lên tiếng):

Nói với con mỗi ngày nguyên tắc chữ S quan trọng này: bất cứ khi nào con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, con hãy lên tiếng, chia sẻ với những người con tin tưởng và yêu quý.

Dù lúc đó không có bố mẹ, con có thể nói với bà, chị gái hay cô giáo, những người mà con tin tưởng ở xung quanh con.

Trên đây là quy tắc quần lót- “PANTS rules” mà cha mẹ nào cũng cần nắm được để dạy cho con biết về kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Trên hết, cha mẹ không chỉ là người nuôi dạy, định hướng cho con, hãy trở thành người bạn gần gũi để con trẻ tìm đến đầu tiên khi muốn chia sẻ, lắng nghe nhất.

(Lan Anh – Tổng hợp)

Leave a Reply