33 bài tập “học và chơi” theo phương pháp Shichida (phần 1)

Trích trong tập 1 bộ sách “Cha mẹ Nhật nuôi dạy con như thế nào?” của tiến sĩ Shichida Makoto.

Những điều cần lưu ý trước khi áp dụng

  • Từ 0-3 tuổi, khả năng nghe của trẻ là cao nhất, trẻ có thể tiếp nhận mọi kiến thức từ ngôn ngữ, chữ viết, âm nhạc, thi ca…
  • Giai đoạn 3-6 tuổi là thời kỳ quan trọng để bồi dưỡng các tố chất mà trẻ có, trẻ có khuynh hướng về mặt nào thì tao nên khuyến khích tối đa cho trẻ phát triển về mặt đó.
  • Phương pháp Shichida được áp dụng tại nhà, giúp phát triển trí não của trẻ nhỏ trước khi đến trường. Giáo dục tại gia đình là bước quan trọng nhất để phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ mà trẻ co, do đó rất cần sự thấu hiểu và hiệp lực của cả cha mẹ.
  • Những bài học này cha mẹ có thể tranh thủ những giây phút thời gian ngắn ngủi sau một ngày làm việc hoặc là ngày nghỉ để chơi cùng con, những giáo cụ cũng có thể tự làm hoặc dễ dàng tìm kiếm được ở Việt Nam mà gia đình khó khăn về kinh tế cũng có thể làm được.
  • Cha mẹ cần hiểu phương pháp, tình yêu, kiên nhẫn để chơi và học cùng trẻ.

Các bài tập học và chơi theo phương pháp Shichida

  1. Cảm thụ (nghe): giúp trẻ cảm thụ âm tốt, thúc đẩy năng lực nhận thức, thúc đẩy năng lực biểu hiện.

    Hãy cho trẻ nghe nhạc hoặc tiếp xúc với môi trường âm nhạc càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn cho trẻ nghe nhạc qua CD, mua những đồ chơi phát ra âm thanh, thường xuyên nhún nhảy theo bài hát cùng trẻ khi nghe. Khi vận động hãy kết hợp cùng các bài nhạc hoặc dụng cụ phát ra âm thanh để hai mẹ con vui vẻ cùng nhau.
    Nếu cha mẹ nào có ý định cho trẻ học nhạc thì hãy bắt đầu khi trẻ được 2-3 tuổi. Trong trường hợp con ghét nghe nhạc, đừng ép con phải nghe. Có thể cho con nghe mọi loại nhạc mà con thích chứ không nhất thiết là nhạc cổ điển. Tâm trạng vui vẻ, thích thú khi con nghe nhạc là điều quan trọng nhất.

  2. Đọc truyện tranh thiếu nhi (nhìn): Giúp rèn luyện năng lực tập trung, năng lực tưởng tượng, năng lực đọc cho trẻ.

    Cha mẹ hãy đọc truyện thiếu nhi (có nhiều tranh minh họa) cho trẻ nghe, mỗi ngày đọc cho trẻ từ 3-5 cuốn. cứ lặp đi lặp lại trong nhiều ngày để luyện cho trẻ trí nhớ và từ vựng. Khi trẻ còn nhỏ tuổi thì chữ càng to, càng nhiều hình minh họa càng tốt.
    Từ vựng là chìa khóa mở ra trí tuệ cho trẻ. Trẻ càng được nghe nhiều từ vựng thì ngôn ngữ càng được phát triển sau này. Đọc và nói chuyện là cách giúp trẻ tăng vốn từ vựng sau này.

    4 Bước giúp trẻ bình tĩnh.
    5 cách giúp trẻ chủ động trong cuộc sống.


    học mà chơi theo phương pháp shichida

  3. Flash card: Rèn luyện trí nhớ trong thời gian ngắn, nâng cao năng lực nhận thức và vốn từ vựng cho trẻ.

    Phương pháp cho trẻ học và chơi với flash card rất tốt cho sự phát triển não phải vì nó đáp ứng được hai yêu cầu là luyện được phản xạ nhớ rất nhanh và dung lượng nhớ vô hạn.
    Cha mẹ có thể mua những bộ thẻ chữ, thẻ số có sẵn ở các cửa hàng sách hoặc tự làm bằng cách viết chữ số trên những mẩu giấy nhỏ. Người lớn giơ thẻ lên cho trẻ xem, đồng thời đọc chữ trên đó cho trẻ nghe, khoảng 1 giây/1 tấm thẻ. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và nhiều ngày. Trò chơi này phát huy trí nhớ và tốc độ tư duy lẫn khả năng nhớ khổng lồ của trẻ.

  4. Nhận biết màu sắc: Rèn luyện khái niệm về màu sắc, cảm thụ nghệ thuật, năng lực biểu hiện.

    Lúc đầu cha mẹ cho trẻ nhìn những màu sắc đơn giản như trắng, đen, sau đó tăng dần về số lượng. Mua thật nhiều những quả bóng nhỏ có đủ màu sắc cho vào một thùng lớn. Người lớn sẽ nhặt từng quả lên và nói tên màu sắc cho trẻ, số lượng màu sắc sẽ tăng dần lên, mới đầu chỉ là xanh, đỏ, vàng…sau đso nhiều hơn nữa. Tiếp theo, ta nói tên màu sắc rồi đố trẻ chọn đúng quả bóng màu đó.
    Cha mẹ cũng có thể mua chì màu hay bút lông, cho trẻ nhìn bức tranh rồi luyện trẻ vẽ lại theo các màu có trong bức tranh.

  5. Nhận biết hình dáng: rèn luyện khái niệm về hình khối, năng lực tưởng tượng, năng lực nhận thức không gian.

    Cho trẻ học nhận biết các hình học như vuông, chữ nhật, tam giác, hình thang, tròn, bình hành, thoi, lập thể… khoảng 10 hình học cơ bản nhất rồi luyện trẻ nhớ.
    Chẳng hạn, cha mẹ có thể cắt tấm bìa thành các hình khối khác nhau, màu sắc khác nhau, cho trẻ chơi trò đoán hình là gì, kết hợp luyện luôn nhớ tên màu sắc.
    Một cách khác là dạy trẻ về hình của các đồ vật trong nhà, sau đó đố trẻ. Cha mẹ cũng có thể sáng tạo hơn như chơi trò ghép hình, ví dụ từ 2 hình tam giác ghép lại thành hình vuông, hình chữ nhật…

  6. Học kích thước to, nhỏ: Học khái niệm to, nhỏ; khái niệm theo thứ tự, trình tự; năng lực giải quyết vấn đề.

    Đặt trước trẻ thật nhiều đồ với kích thước khác nhau, cha mẹ chỉ cho trẻ cái nào là to, cái nào là nhỏ. Sau khi con đã định nghĩa được thế nào là to nhỏ, ta chơi cùng trẻ bằng cách giơ hai vật ra để trẻ so sánh chọn cái nào to hơn (nhỏ hơn). Tiếp tục, cha mẹ đưa 3, 4 vật và chơi trò chọn đồ.

  7. Luyện ngón tay: luyện độ khéo léo, kĩ xảo, năng lực tập trung.

    Ngón tay hay bàn tay được ví như bộ não thứ hai bởi vì nó đóng vai trò quan trọng nhất đối với mọi hành động hay suy nghĩ của con người chúng ta. Việc cầm được bằng 5 ngón tay là một sự khác biệt rất lớn giữa con người và những loài động vật khác.
    Đầu tiên, cha mẹ hãy luyện cho trẻ cầm nắm. Khi con được 2-3 tháng tuổi, nếu người lớn huơ cái gì trước mặt con con sẽ lập tức cầm nắm rất chặt. Lúc đầu, cha mẹ luyện cho con cầm 5 ngón, rồi 4 ngón, rồi đến 3 ngón, rồi đến 2 ngón bằng cách cho trẻ cầm quả bóng hay viên bi nhỏ, bỏ vào hộp rồi bỏ ra và tiếp tục như vậy.
    Một cách khác để luyện ngón tay là cho con cầm nắm chiếc khăn, cầm chiếc bút màu để gạch trên giấy.
    Để trẻ cầm đồ vật bằng 2,3 ngón, lúc đầu cha mẹ hãy để con quan sát cách cha mẹ cầm đũa, cầm kéo, cầm bút, sau đó luyện cho trẻ cầm đũa, bút, cầm kéo bằng 2-3 ngón tay. Mới đầu tẻ sẽ không cầm nhưng dần dần, con có thể làm được với sự kiên nhẫn của cha mẹ. Khi dạy trẻ cầm nắm, cha mẹ cần ngồi cùng hướng với trẻ.

(Còn tiếp….)


Đọc thêm tại:

Tìm hiểu về nếp nhăn trên não trẻ.
Tìm hiểu về khả năng lưu trữ thông tin của não bộ.
Khám phá vùng điều khiển não bộ trong não của trẻ.
Người lớn có cần tôn trọng trẻ em?
Trẻ nhút nhát do bản tính hay do môi trường?

Leave a Reply