Mấy năm gần đây, mình bắt đầu thấy Fb “tuyên chiến” với điểm giỏi. Một số người còn dọa “ủn phen” nếu có ai đó khoe bảng điểm và giấy khen của con lên Fb. Mình cũng hiểu dụng ý của mọi người là mong chống lại bệnh thành tích, mong mang lại những khoảng riêng tư cho con, tránh áp lực… Nhưng mình không nghĩ nặng nề đến thế.
Vì mình nhận thấy, điểm giỏi cũng chủ yếu ở cấp 1, lên cấp 2,3 sự phân hóa rõ hơn, để đạt học sinh giỏi cũng “trầy vi tróc vẩy” lắm, không chớp mắt một cái mà được đâu.
Ở cấp 1, cấp học với mục tiêu dạy cho các em những điều sơ giản về kiến thức và đời sống, xếp loại học lực cũng chỉ dựa trên một bài kiểm tra chứ không phải quá trình. Trong tình hình đó, điểm giỏi cũng “bình thường” thôi mà. Có đến mức khiến chúng ta hoang mang rằng sao giỏi đâu mà lắm thế, nhiều giỏi như thế thì loạn, con cháu chúng ta sắp thành thiên tài hết rồi hay sao?
Trong một xã hội ngập tràn những thông tin đáng sợ thì một bảng điểm tốt, một lời động viên của cô giáo với bé nào đó, chẳng phải là một làn gió nhẹ nhàng sao. Đừng quá khắt khe với nhau có được không bạn?
Vì bạn cũng đâu biết, có khi với con người khác điểm giỏi ấy là bình thường nhưng với bạn đó bạn đó, để đạt được điểm ấy là biết bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực vì bạn ấy hay lơ đễnh, bạn kém tập trung, bạn hay viết ấu, bạn hay tính nhầm.
Điểm giỏi cuối kì cũng chỉ như một dấu mốc rằng con đã cán đích trong 9 tháng trời bố mẹ đằng đẵng đón đưa, cả nhà cùng nhau giải một bài toán, mẹ giải thích cho con một từ con chưa hiểu, con đã cố để không viết sai viết hỏng từ nào trong bài kiểm tra…
Điểm giỏi cuối kì cũng như một lời khen tặng rằng con cũng đã cố gắng rồi, sang năm con lại vui vẻ bước vào năm học mới với nhiều điều mới đợi con. Và giờ cứ tận hưởng mùa hè thật vui.
Mình đi dạy sinh viên, những khi các em tập dạy, mình rất nghiêm khắc. Nghiêm khắc ngay cả việc ăn mặc, có em đi dép lê lên lớp, mình nói em quay về kí túc thay. Em nào dạy sai kiến thức kiên quyết bắt dạy lại. Nhưng khi nào chấm điểm để lấy điểm chính thức, mình thường gọi các em lại nói: Bài em dạy đáng ra đạt điểm này nhưng cô tặng em thêm 2 điểm với nghĩa “tạm ứng niềm tin” cho em. Khi nào em ra trường, em trả lại niềm tin cho cô bằng việc lên lớp chỉn chu hơn, viết đẹp hơn, yêu thương gần gũi với học sinh hơn. Em nhớ nhé.
Vậy nên rất nhiều sinh viên ra trường khi đạt được thành công gì đó nhắn tin cho mình nói: Cô ơi, hôm nay con gửi lại cô niềm tin mà năm ấy cô đặt vào con.
Nên điểm số đâu có tội tình gì. Bạn chỉ lo điểm giỏi nếu bạn:
Bằng mọi giá, bằng mọi áp lực để con đạt điểm như “con nhà người ta”.
Bạn đi vòng cửa sau, bạn gây căng thẳng với cô để bắt cô cho thêm điểm.
Bạn chẳng cần biết con học cái gì ở lớp, cái bạn cần chỉ là: Con được mấy điểm.
Bạn đánh con, mắng con nếu thấy con không đạt điểm giỏi.
Bạn coi điểm giỏi là “thuốc an thần”, bạn đắm chìm trong đó và nó khiến bạn hoàn toàn tin rằng con mình không có khiếm khuyết gì cả.
Còn nếu như, bạn biết chắc rằng, kèm theo với điểm giỏi hoặc kể cả điểm chưa giỏi đó:
Con đã biết nói lời cảm ơn xin lỗi.
Con đã biết bày tỏ ý kiến cá nhân.
Con thích đọc sách.
Con biết tự phục vụ.
Con vui vẻ mỗi khi đến trường.
Con tuân thủ các nội quy chung.
Con biết về những vất vả của bố mẹ.
Con biết yêu thiên nhiên, yêu thương mọi người.
Con hồn nhiên vui chơi, hồn nhiên nói cười, con không tự giam mình trong cái rọ của kiến thức.
Con biết mình còn những hạn chế. Và hiểu rằng điểm không phải là tất cả.
Thì khi đó, nếu cả nhà cùng thoải mái, bạn cứ đăng lên Fb với niềm vui bé mọn của người làm cha mẹ. Đừng tự tước đi những cảm xúc tích cực cần cho cuộc sống.
Điểm ơi, đừng sợ!”
Đọc thêm các bài viết khác của Bé tư duy tại:
5 quy tắc lịch thiệp trên bàn ăn mẹ cần dạy cho bé. |
Thay vì nói KHÔNG với trẻ, mẹ có thể nói theo cách này. |
Muốn trẻ 2 tuổi tự lập, mẹ cần cho con tự làm các việc sau. |