Cảm xúc và hành vi của trẻ có một mối liên quan mật thiết với nhau. Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, trẻ sẽ thường cư xử đúng mực. Vậy chúng ta phải làm sao để trẻ cảm thấy dễ chịu, câu trả lời là bạn hãy chấp nhận cảm xúc của trẻ. Cảm xúc bắt nguồn từ tư duy của trẻ, mang tính bộc phát và rất ngây thơ. Vì vậy, nếu quá khắt khe, chèn ép sẽ khiến trẻ cảm thấy bị gò bó và cư xử không đúng, thiếu lễ phép. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bố mẹ cách chấp nhận cảm xúc của trẻ để trẻ cảm thấy dễ chịu và cư xử đúng mực.
Đọc thêm: Rèn luyện ý chí giúp trẻ sống độc lập tự tin như thế nào?
1. Vì sao cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc của con trẻ
Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia về tâm lý trẻ em, cha mẹ tốt hơn là nên chấp nhận cảm xúc của con trẻ. Vì nếu cha mẹ làm ngược lại, hai cơn tức giận đối đầu với nhau thì chỉ làm xấu đi mối quan hệ bố mẹ và con cái, đồng thời sẽ đẩy 2 phía vào cuộc chiến quyền lực và rồi để lại những tổn thương không đáng có. Bạn hãy thử tưởng tượng việc mỗi lần trẻ có những cảm xúc tiêu cực mà ko được lắng nghe, giải tỏa, bị phớt lờ, khước từ hay giảng đạo, đe dọa thì tương tự như cái đầu gối của trẻ bị đầy những vết xước, vết trầy và đầy vết sẹo vì mỗi lần ngã, trẻ ko được băng bó, không được chăm sóc cẩn thận.
Các bậc cha mẹ nếu chỉ theo tính cách của người lớn thì thường xuyên không thể chấp nhận cảm xúc của trẻ do nghĩ rằng tư duy của trẻ quá nông cạn, trẻ suy nghĩ không đúng đắn như người lớn. Nhiều khi chỉ là theo thói quen không chút suy nghĩ mà cha mẹ gạt đi những cảm xúc của con, đồng thời nói ra những câu làm trẻ cảm thấy bực tức như: con làm vậy là sai, con không được làm thế, con quá nghịch ngợm, con quá lì lợm, con không vâng lời,… Sự khước từ cảm xúc thường xuyên của bố mẹ sẽ làm trẻ rối trí và nổi giận. Bọn trẻ thường không biết những cảm xúc của chúng là gì, không diễn tả được, không gọi tên được dẫn đến không nói ra được, không san sẻ được. Nếu cứ tiếp tục đà như thế, khi trưởng thành, chúng sẽ không tin cậy vào những cảm xúc của mình, cảm thấy xấu hổ hoặc bế tắc trong cảm xúc, bối rối giữa cảm xúc và lí trí, đồng thời không tìm ra hướng giải quyết những vấn đề khó khăn mà chúng gặp phải.
Đọc thêm: 6 giai đoạn nhạy cảm của trẻ theo Maria Montessori.
(Nguồn: Artmajeur )
Khi cha mẹ khước từ cảm xúc của con trẻ, không chỉ tất cả những cuộc đối thoại giữa bố mẹ và con cái đều trở thành cuộc tranh cãi, mà bố mẹ còn gián tiếp khẳng định với con rằng đừng có tin vào những cảm nhận ấy, thay vào đó là phải tin vào những cảm xúc của chính cha mẹ mà thôi. Nhưng sự thực, cha mẹ và con cái là 2 phạm trù riêng biệt với 2 hệ thống cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Không có ai đúng hay sai, chỉ đơn giản là mỗi bên cảm nhận được những gì mình đang cảm thấy.
2. Cha mẹ nên làm gì để chấp nhận cảm xúc của trẻ
Sau đây sẽ là những cách giúp cha mẹ hiểu rõ hơn việc mình nên làm để chấp nhận những cảm xúc của con trẻ:
Lắng nghe, chăm chú hết mực vào cảm xúc của con trẻ mỗi khi trẻ thể hiện cảm xúc của mình.
Chấp nhận cảm xúc của con bằng những từ cảm thán: à, ra là thế, vâng con, mẹ hiểu,…
Cha mẹ nên ghi nhận, đặt tên cho những cảm xúc của con.
Để trẻ tự do bày tỏ cảm xúc, cũng như nói lên những mong muốn của mình.
Cha mẹ nên kiềm chế cơn tức giận, kiềm chế cái tôi của bản thân để hiểu chấp nhận cảm xúc của trẻ. Đôi khi sự ngây thơ, bồng bột, thiếu suy nghĩ của trẻ lại khiến bạn cảm thấy buồn cười, vui vẻ hơn.
Trẻ sau khi được “xả cảm xúc” sẽ bắt đầu có thể tự nhìn vào cảm xúc của mình và tự giúp mình tháo gỡ vướng mắc. Đối với những vấn đề phức tạp, trẻ chưa tự tìm ra cách giải quyết thì ít nhất sau khi được lắng nghe, trẻ cũng sẽ bình tĩnh lại và sẵn sàng nghe những lời dạy bảo từ cha mẹ.
Chấp nhận cảm xúc của trẻ để trẻ cảm thấy dễ chịu và cư xử đúng mực là một nghệ thuật trong nuôi dạy con cái mà cha mẹ nên nắm rõ. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn và sẽ chấp nhận trẻ, cũng như nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ tươi đẹp hơn.