Bạn nhỏ 5 tuổi nhà tôi hôm nay có một sự kiện đặc biệt ở trường, bạn ý cần ăn mặc chỉn chu và trang điểm. Hôm qua mẹ đã mua cho bạn ấy hai chiếc bờm. Một chiếc mẹ thích và một chiếc màu hồng mẹ đoán bạn sẽ thích. Vì thích quá nên mẹ gợi ý bạn ấy đeo chiếc bờm kẻ caro mà mẹ nghĩ rất đẹp.
Con thử đeo bờm này đi
Vâng, nhưng con không thích
Con nhìn trong gương kìa, xinh quá
Con không thích đâu, con xấu hổ.
Chà chà, con gái đã lớn và đã có quan điểm rồi, mẹ mừng vì điều đó thế nhưng mẹ cảm thấy hơi “lấn cấn”:
Ồ, sao con lại thấy xấu hổ
Vì con thấy cái đấy không đẹp.
Mẹ mỉm cười và ôm con vào lòng. Để mẹ nói cho con nghe nhé “xấu hổ là ngượng ngùng, là thẹn khi mình nhận ra mình đã làm sai hay thấy mình kém cỏi hơn các bạn khác”. Ví dụ như em Tun hôm qua đánh vỡ chiếc bình cá nhưng lại đổ cho mèo làm vỡ, thế là khi các chị phát hiện ra em nói dối em đã rất xấu hổ”. Cảm giác đó thật không dễ chịu con nhỉ?
Có thể mẹ quan tâm:
Thế con còn thấy xấu hổ khi đeo bờm này không?
Con không xấu hổ, con chỉ không thích thôi.
Được rồi, vậy con hãy đeo thứ mà con thích nhé.
Thế con thấy bác lao công quét đường có cần xấu hổ không?
Không ạ, vì bác ấy không làm gì sai.
Thế con thấy nhà bạn Min nghèo có đáng xấu hổ không?
Không ạ.
Thế con thấy bạn Tú hay ốm, nhỏ con và xấu trai thì có đáng xấu hổ không?
Con biết rồi, không mẹ ạ.
Mẹ cười xoa đầu cô con gái nhỏ.
Mẹ hỏi con câu cuối cùng nhé. Thế một bạn học kém trong lớp thì có xấu hổ không?
Học kém ạ? Nàng tỏ ra suy nghĩ ghê lắm.
Chắc là khó rồi. Mẹ hỏi thêm nhé. Một bạn học kém và một bạn chưa cố gắng học hành, hay mất tập trung thì bạn nào sẽ đáng xấu hổ.
Con biết rồi, bạn lười là đáng xấu hổ mẹ ạ.
Nàng cười típ mắt, từ hôm đó nàng cố gắng không để mẹ nói là một đứa trẻ đáng xấu hổ vì lười và mất tập trung nữa.
Mẹ KemBo.