Thực tế, có nhiều phụ huynh đang phát cuồng trong việc cho trẻ học hết môn năng khiếu này đến môn năng khiếu khác mà không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó lại có nhóm phụ huynh khác hòan tòan bàng quang với vấn đề này, họ cho rằng cứ kệ con tự phát triển. Vậy bạn thuộc trường phái nào?
Bài viết sau được Bé tư duy trích dẫn và lấy ý từ cuốn sách: Phương pháp Montessori trong gia đình – 5 nguyên tắc vàng trong thời kì mẫn cảm của trẻ (Tác giả Atsuko – Trang Anh dịch – NXB Thái Hà Books). Mời bạn đọc để có thể có cái nhìn khách quan và phù hợp nhất cho gia đình mình.
Đọc thêm: Khám phá phản xạ có điều kiện và tìm hiểu sự hình thành thói quen ở trẻ sơ sinh.
Có một số phụ huynh đã hỏi tôi: “Hiện giờ tôi đang cho cháu học 5 môn. Nhưng chắc vì mệt nên cháu ghét đi học lắm. Có điều, môn nào cũng cần cho tương lai của cháu cả. Thế nên tôi không biết phải bỏ bớt môn nào.”
Bà mẹ ấy nghĩ rằng: Học Piano tuyệt đối cần thiết. Múa ba-lê thì nghe nói nên bắt đầu từ nhỏ. Trẻ em ngày nay đang sống trong thời đại quốc tế hóa, nên việc cho con học tiếng Anh từ bây giờ là nghĩa vụ của cha mẹ. Nên cho trẻ học bơi lội, để trẻ có thể tránh khỏi nguy hiểm và bỡ ngỡ khi học môn này ở trường. Vì muốn cho trẻ thi đậu vào trường tư, nên cần đưa trẻ đến trung tâm dạy kèm để chuẩn bị kiến thức.
Cũng giống như bà mẹ trên đây, chị Sugiyama Yumiko, tác giả cuốn sách Tình hình học năng khiếu của trẻ nhỏ ban đầu khá hoài nghi về giá trị của việc học năng khiếu. Nhưng khoảng thời gian hai bé nhà chị lên 3 và lên 5, chị thấy nhà nhà cho con đi học năng khiếu. Vì bị hối thúc bởi tính cấp thiết trong việc nuôi dạy con: cho trẻ học kỹ năng nào mới được? Chị đã cất công đến nhiều trường dạy năng khiếu và các lớp giáo dục sớm để tìm hiều. Sau đó chị nhận ra, trẻ nhỏ thời đại này cần phải học năng khiếu, đó là xu thế chung và chị biết mình không thể đi ngược thời đại.
Nhưng để làm rõ hơn mục đích và mong muốn của các thành viên trong gia đình về việc này. Chị tự hỏi:
- Tại sao mình cho con học năng khiếu?
- Mình có nghĩ rằng tương lai con sẽ tốt hơn nếu cho chúng học năng khiếu không?
- Mình đã bao giờ nghĩ đến mong muốn con sẽ trở thành người như thế nào thông qua việc cho con học năng khiếu chưa?
Sau khi suy ngẫm, chị phát biểu như sau:
- “Nếu được hỏi cho con đi học thêm vì lý do gì, bây giờ tôi có thể trả lời một cách rõ ràng rằng: Mục đích là để con cảm nhận được niềm vui khi tập trung làm một việc nào đó. Với mục đích ấy, tôi thấy cho con học môn năng khiếu nào cũng được”. Điều đó có nghĩa là hãy lấy NIỀM VUI của trẻ làm mục đích đầu tiên.
- “Khoảng thời gian này, quan điểm “một khi bắt đầu học năng khiếu thì phải theo đến cùng” của tôi giảm dần. Tôi cho rằng để theo đuổi một việc gì đó thật sâu; hay đạt trình độ chuyên muôn trong lĩnh vực nào đó, cần đợi trẻ lớn hơn. Cho trẻ học gì cũng được, miễn là trẻ có những trải nghiệm sâu sắc về cảm nhận và tự mình say mê vào một việc bất kỳ. Điều quan trọng là: Để bản thân trẻ tự trải nghiệm và nhờ những trải nghiệm ấy mà trẻ trưởng thành. Nếu có trải nghiệm đó, trẻ sẽ tự tin”. Như vậy điều quan trọng thứ hai đó là TRẢI NGHIỆM của trẻ.
- Cuối cung chị đã tự đưa ra quyết định cho riêng mình: “Lúc đầu, tôi thấy nghi ngờ về việc cho trẻ học năng khiếu từ nhỏ. Nhưng khi thu thập tư liệu, suy nghĩ của tôi đã thay đổi, từ: thật hay nếu có một môn nào đó khiến trẻ trở nên say mê; chuyển thành: muốn cho trẻ có những trải nghiệm mà chắc chắn khiến chúng trở lên say mê”.
Trên đây là một ví dụ khá điển hình cho tình hình hiện nay tại Việt Nam. Vì thế, giống như chị Yumiko trong bài viết, phụ huynh chúng ta cần hiểu rõ “mục đích và điều cốt lõi là gì” khi cho trẻ học năng khiếu, đồng thời nhớ rằng học năng khiếu chỉ là một sự trải nghiệm, việc đó nên bắt đầu bằng niềm vui của trẻ chứ không phải sự ép buộc để giống với xu thế thời đại. Nếu thấy trẻ say mê, cha mẹ vẫn cứ tiếp tục để trẻ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khác nữa.