Giáo dục sớm cho trẻ là vấn đề ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm. Để giáo dục sớm có hiệu quả thì rèn luyện tư duy của trẻ là việc đầu tiên cần làm và nên làm ngay khi trẻ mới được hai tuổi.
Trong các kỹ năng tư duy thì tư duy phản biện và tư duy chủ động chiếm vị trí vô cùng quan trọng và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
1. Tìm hiểu về tư duy phản biện
Tư duy phản biện hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm việc đánh giá và phân tích thông tin tiếp nhận được qua quan sát, trải nghiệm hoặc giao tiếp. Nhưng điều cốt lõi của tư duy phản biện là không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn cần phản ứng lại với các thông tin được tiếp nhận đó. Đây là kỹ năng mà trẻ em (và cả người lớn) cần phải học hỏi để có thể giải quyết vấn đề.
Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày cha mẹ cũng có thể rèn tư duy của trẻ đặc biệt tư duy phản biện một cách tự nhiên qua một số thói quen như: Luôn nói cho trẻ lí do cũng như khuyến khích trẻ tìm hiểu nguyên nhân cho mọi vấn đề; luôn khuyến khích trẻ đưa thêm giải pháp cho một vấn đề nào đó; thay vì giải quyết vấn đề hộ con ngay lập tức thì hãy hướng dẫn và hỗ trợ con tìm thông tin…
Bên cạnh đó, việc không kém phần quan trọng đó là giúp trẻ phản biện một cách lễ phép, văn minh, lịch sự như: dạy trẻ tuân thủ quy định hoạt động nhóm (giơ tay xin phát biểu, thưa gửi đầy đủ…), dạy trẻ giữ phép tắc trong gia đình…
STEM-Phương pháp giáo dục tập trung vào sự phát triển tư duy thực tiễn cho trẻ.
Môi trường sống (Nông thôn hay Thành thị) ảnh hưởng tới sự phát triển tư duy của trẻ như thế nào?
2. Tìm hiểu về tư duy chủ động
Tư duy chủ động hay còn được gọi là Brainstorming là loại tư duy mà con người phải động não trước mọi sự vật hiện tượng xảy ra trong xã hội. Tư duy chủ động thể hiện quá trình xử lý thông tin tiếp nhận được một cách logic và có cơ sở thay vì tiếp nhận nó một cách thuần túy và bị động.
Đây là tư duy tích cực của mỗi con người, hướng đến sự thật khách quan được kiểm chứng. Từ đó suy nghĩ của con người sẽ đúng hơn và bao quát hơn. Ở trẻ nhỏ, tư duy chủ động cũng rất quan trọng.
Có tư duy chủ động sẽ phát huy trí thông minh ở trẻ, khả năng sáng tạo cũng được tăng cường và đặc biệt là trong tư duy của trẻ sẽ có sự liên hệ giữa các sự vật hiện tượng. Để hình thành tư duy chủ động của trẻ thì cần xây dựng cho trẻ một môi trường giáo dục khuyến khích sự chủ động.
Đọc thêm: 4 cách giúp trẻ thích tư duy.
3. Mối quan hệ giữa tư duy phản biện và tư duy chủ động trong sự phát triển tư duy của trẻ
Để trẻ có thể phát triển tư duy ngay từ khi còn nhỏ thì cha mẹ cần thực hiện việc rèn luyện cho trẻ tư duy phản biện và tư duy chủ động. Bởi đây là hai loại tư duy tích cực, góp phần rất lớn trong việc giúp trẻ tự giải quyết tốt nhất các vấn đề gặp phải sau này.
Hai loại tư duy này có điểm chung là đều có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí thông minh, sự sáng tạo, khả năng phân tích, liên hệ ở trẻ. Từ đó hình thành cho trẻ sự tự tin, chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Điểm khác nhau đó là, tư duy chủ động là tư duy bậc cao của tư duy phản biện. Khi bé đã có thói quen phản biện cha mẹ có thể rèn luyện tư duy chủ động bằng cách khuyến khích trẻ tự tìm hiểu cách và giải quyết vấn đề. Bạn có thể chỉ cung cấp cho trẻ các công cụ như từ điển, công cụ tìm kiếm, sách vở…, còn lại là việc của trẻ.
Có thể nói, tư duy phản biện hay tư duy chủ động cũng đều giúp cho quá trình tư duy của trẻ được phát triển hoàn thiện hơn. Do đó, trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần phải tích cực giúp trẻ rèn luyện các loại tư duy này.
Đọc thêm các bài viết giúp phát triển tư duy cho bé tại đây:
Trí thông minh và tư duy có phải là một?
Một số mốc phát triển tư duy của trẻ 0-3 tuổi.
Phát triển tư duy qua việc kích thích 5 giác quan của trẻ: Cực kỳ đơn giản.