Chắc hẳn rất nhiều cha mẹ lo lắng khi thấy con cái mình nhút nhát và có vẻ chậm chạp. Những đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát và khỏe mạnh luôn là niềm vui đối với cha mẹ. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà mỗi đứa trẻ đều có được điều đó. Vì vậy ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân trẻ nhút nhát và cách giúp trẻ trở nên năng động và hoạt bát hơn nhé!
Đọc thêm: 4 bước dạy trẻ biết cảm thông với mọi người.
-
Tìm hiểu nguyên nhân trẻ nhút nhát, thụ động
Trước tiên, cha mẹ nên hiểu biểu hiện nhút nhát, thụ động ở trẻ là tự nhiên chứ không phải dấu hiệu của sự phát triển bất thường. Tuy nhiên, trẻ thụ động có thể do tính cách bẩm sinh hay do trẻ có những trải nghiệm tiêu cực, dẫn tới sự nhút nhát. Những nguyên nhân thông thường khiến trẻ trở nên nhút nhát và thụ động như:
- Trẻ thường chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ. Chính điều này khiến trẻ sợ hãi, mất tự tin, thậm chí tự đổ lỗi cho mình.
- Do từ nhỏ cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc trẻ quá mức, không dám để trẻ tự làm bất kì điều gì. Sự bảo vệ này đã khiến trẻ trở nên ỷ lại, dựa dẫm và từ đó trở nên nhút nhát, thụ động.
- Do ở nhà cha mẹ, anh chị lớn hơn hay chỉ trích những sai lầm của trẻ. Đây là cách dạy con thụ động cực kì sai lầm, khiến trẻ mất niềm tin, trở nên tự ti và nhút nhát.
- Do sự phát triển của các phương tiện truyền thông như tivi, điện thoại,… khiến trẻ xa dần với những trải nghiệm thực tế.
Bố mẹ có nên định hướng sở thích cho trẻ? |
Cách giúp trẻ hào hứng khám phá. |
Thiên nhiên giúp trẻ hài hòa hơn
-
Cách giúp trẻ trở nên hoạt bát, năng động hơn
- Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể thao hay đưa trẻ đến học các lớp năng khiếu thay vì để trẻ ngồi lì trước tivi, điện thoại.
- Đừng viện lý do không có thời gian để mắt đến trẻ, sợ trẻ bị ngã hay đau mà hạn chế để trẻ vui chơi với những đứa trẻ hàng xóm. Hãy để trẻ thoải mái vui chơi với những trò chơi mà trẻ tự tạo ra sẽ giúp kích thích khả năng tư duy và sáng tạo, đồng thời giúp trẻ năng động và hoạt bát hơn.
- Cha mẹ hãy dành thời gian cuối tuần cùng trẻ tham gia vào những chuyến picnic của gia đình để trẻ có cơ hội vui chơi và khám phá nhiều điều mới. Hoặc cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi thăm ông bà, họ hàng để xây dựng tình cảm gia đình cho trẻ.
Vui chơi với bạn bè cũng giúp trẻ năng động hơn
- Thay vì làm hết mọi việc từ lớn đến nhỏ trong nhà, cha mẹ nên để trẻ học tính tự lập, biết sẻ chia và có trách nhiệm hơn. Hãy hướng dẫn trẻ làm những việc trong khả năng của trẻ như: tự dọn đồ chơi, quần áo,… Và đừng quên dành cho trẻ một lời khen động viên tinh thần khi trẻ hoàn thành tốt công việc được giao bạn nhé. Cha mẹ cũng nên nhớ, hãy tiết kiệm những lời chê bai khi không quá cần thiết. Mỗi lời chê bai sẽ khiến trẻ có một chút tổn thương tinh thần nhất định.
- Các môn thể thao và nghệ thuật cũng là một cách hữu hiệu để giúp trẻ trở nên hoạt bát hơn. Những môn học như võ thuật, bơi lội, nhảy múa,… không chỉ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tư duy nhanh nhẹn hơn mà còn rèn luyện thể chất, nâng cao khả năng làm việc nhóm và giúp trẻ tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người xung quanh.
- Thay vì cho trẻ chơi các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng hiện nay thì trò chơi dân gian quen thuộc, dễ chơi nên được khuyến khích ở trẻ. Những trò chơi như rồng rắn lên mây, ô ăn quan, nhảy dây,… không chỉ giúp trẻ thư giãn mà còn tăng khả năng phản xạ cho bé. Nếu bạn không có thời gian để chơi cùng con, hãy nhờ tới sự trợ giúp từ những đứa trẻ hàng xóm. Những trò chơi dân gian này sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát và nhanh nhẹn hơn.
Vì vậy, cha mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của vấn đề ngay từ bây giờ và định hướng cho trẻ lối sống năng động và suy nghĩ tích cực. Trẻ trưởng thành khỏe mạnh, hoạt bát và có khả năng sống tự lập hay không, một phần là nhờ vào những gì cha mẹ đã dạy trẻ từ khi còn nhỏ. Hãy là những bậc cha mẹ thông minh để giúp con mình năng động, hoạt bát và thành công trong tương lai các bạn nhé.