Tại sao có nhiều đứa trẻ thông minh mà không thành đạt?

 

Hãy sống như một cuộc đua marathon, chứ không phải một cuộc đua nước rút – Nhà tâm lý học Angela Duckworth.

Hôm nay, tôi vừa nhận được tin vui từ một người bạn thân thiết của mình. Bạn tôi hạnh phúc thông báo, con gái bạn vừa nhận được học bổng toàn phần cho 4 năm học – năm cuối THCS và 3 năm trung học của hệ thống giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế đang rất nổi tại Việt Nam. Tôi rất vui với thành công của bé nhưng rất ngạc nhiên về thành tích mà cháu đạt được. Vì trong 8 năm học, cháu không phải là học sinh xuất sắc của lớp, thậm chí giáo viên tiểu học còn còn chê bai cháu lớp 5 mà trí tuệ không bằng đứa trẻ học lớp 3.

Khi tôi hỏi bạn về lý do vì sao cháu lại có sự tiến bộ vượt bậc trong thành tích học tập như vậy, bạn tôi đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của cháu:

Hoàn thành tới cùng mục tiêu đề ra

Ví dụ như với môn tiếng Anh – cháu đặt mục tiêu giao tiếp tiếng Anh thuần thục. Cháu kiên trì với việc học tiếng Anh theo các giáo trình phù hợp với lứa tuổi và bé đã xin phép mẹ cho tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh. Khi trình độ nâng cao thêm, bé tham gia các nhóm tình nguyện viên với các bạn người nước ngoài trong các kì nghỉ hè. Kết quả là sau 5 năm cháu đã giao tiếp tiếng Anh thuần thục đến mức có bạn người Mỹ còn tưởng cháu sống ở nước ngoài từ bé.

Chọn cách học phù hợp với mục tiêu và khả năng của mình

Vở ghi bài trên lớp của cháu đều được trình bày dựa trên phương pháp Sơ đồ tư duy (Mind map) và cháu sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh với tất cả những từ vựng mà cháu biết. Việc trình bày vở viết theo cách của cháu không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của giáo viên. Gia đình đã phải xin phép cô cho cháu trình bày vở ghi bài theo cách riêng của mình.

Bé học được cách đối mặt với khó khăn

Bạn tôi chia sẻ, suốt 5 năm học tiểu học, bé luôn phải ngồi cạnh một bạn tự kỉ trong lớp. Giờ ra chơi hay thậm chí khi bạn đó đi vệ sinh bé cũng phải đi cùng với bạn (theo sự phân công của giáo viên). Khi bạn tôi đưa ra đề nghị sẽ lên gặp giáo viên của con để kiến nghị, bé đã trở lời: “Không sao đâu mẹ. Nếu không phải là con thì sẽ là một bạn khác.”

Làm việc nhà

Từ nhỏ bé đã làm các công việc nhà theo sự phân công của bố mẹ. Dù việc học hành có bận rộn đến thế nào, bố mẹ vẫn luôn nhắc bé dành thời gian cho công việc nhà. Bạn tôi cho rằng việc bé chia sẻ việc nhà với bố mẹ để bé học được tính trách nhiệm và tự lập hơn.

Đọc thêm: Kinh nghiệm hay làm cha mẹ.

thông minh và thành công

Trường hợp, “bỗng dưng” thành công như con của bạn tôi không phải là hiếm gặp. Bạn hãy thử  tìm kiếm trên google về học sinh giành được học bổng của các trường đại học danh tiếng, bạn sẽ thấy các bạn học sinh đó không phải là học sinh thông minh nhất lớp mà là học sinh nỗ lực học hỏi nhất và phát huy hết khả năng của mình. Như vậy trí thông minh không phải là dấu hiệu tốt nhất để dự đoán về thành công của một người. Để thành công, không chỉ cần có trí tuệ mà còn cần sự kết hợp của đam mê và kiên trì nữa.

Để khẳng định rằng tài năng tự nhiên không phải là sự khác biệt lớn nhất của những người thành công, các nhà tâm lý học thậm chí còn đưa ra công thức minh chứng điều này:

Tài năng x Nỗ lực = Kỹ năng

Kỹ năng x Nỗ lực = Thành tích

Khi bạn nỗ lực học hỏi, những tài năng bạn có sẽ được cải thiện thành kỹ năng. Khi bạn nỗ lực áp dụng những kỹ năng, bạn sẽ đạt được thành tích. Theo công thức trên, nỗ lực được nhắc đến 2 lần.

Vì thế, dù bạn không phải người thông minh nhất nhưng sự nỗ lực nhiều nhất sẽ giúp bạn đạt được thành công mà bạn mong muốn.


Đọc thêm các bài viết cùng tác giả:

Dạy con quản lý và sử dụng tiền như thế nào?
Bí mật cách người Do Thái dạy con về tiền bạc.
Có nên dạy trẻ sớm về tiền bạc?
Trả tiền cho trẻ làm việc nhà, có nên?
Sơ đồ tư duy là gì?
4 kỹ năng mềm cần thiết cho trẻ mầm non – Học từ doanh nhân nhí Bảo Ngọc.
9 loại trí thông minh của trẻ.

Leave a Reply